Trời Điện Biên mây trắng
Trở lại Điện Biên, điều ấn tượng nhất với tôi là sắc thắm. Hình như thiên nhiên ở đây luôn tươi thắm bởi sắc lúa, sắc rừng. Cánh đồng Mường Thanh - vựa lúa của Điện Biên với hạt gạo dẻo thơm trải dài. Thắm bởi màu xanh nguyên sơ của “Cánh rừng Đại tướng” ở Mường Phăng. Cánh rừng nguyên sinh còn nguyên những tán cây cổ thụ.
Toàn cảnh đồi A1. |
Cô Cà Thị Minh - hướng dẫn viên người dân tộc Thái nói với chúng tôi: “Em rất thích gội đầu bằng hoa bưởi - hương bưởi của cây bưởi Đoan Hùng được trồng cửa trước hầm Đại tướng”. Cô gái Thái có mái tóc thật dài, dày và mượt, được mẹ chăm chút từ nhỏ như dải suối mềm mại chảy từ đầu tới chân. Hàng khuy bạc như con bướm trắng đính trên ngực áo cứ dập dờn theo nhịp đập trái tim rạo rực đang yêu. Một Điện Biên hồi sinh, một Điện Biên trẻ lại. Tình yêu Điện Biên bắt đầu từ: “Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam - Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng” kết thành vòng hoa chiến thắng năm sắc màu tươi thắm trong thơ Tố Hữu.
Tôi đứng trên đồi A1 nhìn ra xa. Có một Điện Biên sắc ngời ngói đỏ. Những khu du lịch sinh thái mọc lên và xa kia là tượng đài chiến thắng. Trên quả đồi này năm xưa là chiến trường ác liệt. Các chiến sĩ đã lấy thân mình đo từng thước đất, đo từng khúc chiến hào đánh lấn. Hình ảnh anh chiến sĩ Điện Biên áo trấn thủ, mũ nan, dép lốp và đoàn xe đạp thồ rồng rắn ẩn hiện chở hàng, chở gạo “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ - Đèo Lũng Lô anh hò chị hát” (Tố Hữu) giờ vẫn còn ngân vọng không chỉ trong bảo tàng lịch sử mà cả trong lòng người rạo rực hôm nay.
Một khúc hò dô ta nào… trong “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân. Một điệp khúc, điệp trùng: “Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi” của Đỗ Nhuận. Tất cả đều như sống lại, sống dậy thật sinh động biết bao. Vẫn còn đây ngổn ngang chiến hào đồi đất đỏ. Vẫn còn hố bộc phá ngàn cân như cái phễu khổng lồ đựng cả trời bom đạn ngày nào. Giờ trên quả đồi chiến tích năm xưa được trồng rất nhiều nhãn. Cây nhãn bền bỉ với thân gỗ xoắn chắc và chùm rễ khỏe khoắn hút chất màu mỡ hiếm hoi nơi đồi cằn đá sỏi để chắt chiu từng chùm quả mọng nước. Đầu hạ, mùa ve ran bắt đầu đóng cùi nhãn ngọt lịm.
Ở đây, tôi đã gặp nhiều đoàn cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa. Trên ngực áo của họ có sắc thắm của tấm huy hiệu Điện Biên. Chiếc huy hiệu đã được họ nâng niu cất giữ như một vật kỷ niệm vô giá. Họ tìm lại ký ức. Ký ức Điện Biên của người lính không bao giờ mòn phai mà càng ngày càng được tô thắm như là một điểm tựa tinh thần, một niềm tin bất diệt.
Vẫn có một Điện Biên trong cuộc sống đời thường vất vả. Vẫn có những cuộc gồng mình lên kéo pháo qua gian khó thường ngày. Trở lại Điện Biên là trở lại chính mình, về lại với mình. Với điệu xòe múa sạp, với xôi nếp cẩm đựng trong giỏ mây, với thịt trâu sấy khô gác bếp. Và với hoa ban đắm đuối đến thót lòng của miền Tây Bắc. Một Điện Biên ùa vào, len lỏi trong trí nhớ như con suối róc rách, như bước núi chập chùng.
Bất chợt tôi nhìn lên vòm trời cao rộng của Điện Biên. Có một sắc thắm từ những cụm mây trắng mơ màng xanh lúc in hình những bông huệ trắng như chùm hoa dâng lên những nấm mồ liệt sĩ vô danh. Lúc tỏa ra những cánh đồng mây thung thăng no ấm. Một sắc thái bình yên như làm chậm lại nhịp sống nơi đây. Và từ sân bay Điện Biên, chiếc máy bay của hãng hàng không quốc gia Việt Nam cất cánh như một cánh chim lấp lóa ánh nắng sáng trắng bay về phía tương lai đang rộng mở chân trời.
Trời Điện Biên mây trắng.
NGUYỄN NGỌC PHÚ