Ấn tượng từ một hội diễn nghệ thuật quần chúng
Sau 3 ngày tranh tài sôi nổi, Hội diễn nghệ thuật quần chúng “Tiếng hát miền Đông” lần thứ XVIII năm 2018 đã khép lại. Nhưng những sắc màu, những tiết mục các đoàn nghệ thuật quần chúng (NTQC) của các tỉnh, thành mang đến Hội diễn để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.
Tiết mục “Thành phố Hồ Chí Minh niềm tin ngời sáng” của đoàn TP.Hồ Chí Minh. |
SỨC SỐNG CỦA QUÊ HƯƠNG
Hội trường Trung tâm Văn hóa tỉnh những ngày diễn ra Hội diễn “Tiếng hát miền Đông” ngập tràn không gian âm nhạc. Là sân chơi dành cho các nghệ sĩ, diễn viên nghiệp dư, nhưng Hội diễn đã mang đến cho người xem những tiết mục văn nghệ đặc sắc, giàu hình tượng. Trong đó, mỗi đội diễn là một sắc màu, vừa giới thiệu được nét riêng của tỉnh, thành của địa phương đó, vừa làm nổi bật tình đoàn kết của vùng đất, con người miền Đông.
Với chủ đề “Những thanh âm cuộc sống”, đội Bình Dương đã giới thiệu đến khán giả hình ảnh một Bình Dương anh dũng trong bom đạn chiến tranh, phát triển mạnh mẽ bởi sức trẻ trong hiện đại. Đúng như chủ đề tên gọi “TP.Hồ Chí Minh- Khát vọng vươn cao”, đoàn NTQC TP. Hồ Chí Minh đã sử dụng hiệu ứng hình ảnh không gian 3D, đèn led suốt chương trình, gây ấn tượng đặc biệt cho người xem bởi nét hiện đại, trẻ trung của một thành phố năng động. Trong khi đó, đoàn NTQC tỉnh Ninh Thuận sử dụng chất liệu dân gian, giới thiệu sự khỏe khoắn, cần cù của những đồng bào Chăm đi khai phá đất, làm nương rẫy, qua đó làm nổi bật một vùng đất trù phú trên con đường xây dựng nông thôn mới.
Đoàn NTQC tỉnh BR-VT thì nổi bật với hình ảnh về một vùng biển trù phú, là quê hương của những người anh hùng liệt sĩ, là những chuyến tàu nhộn nhịp ra vào cảng, là những công nhân dầu khí hăng say lao động sản xuất, những ngư dân ngày đêm bám biển mưu sinh… Những hình ảnh đặc thù của mỗi địa phương, vùng đất được chuyển tải sống động qua lời ca, điệu múa với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật, ánh sáng đã giúp khán giả phần nào hình dung được những nét đặc thù, lợi thế và sự hấp dẫn riêng của mỗi địa phương.
Trong Hội diễn lần này, bên cạnh sự mới mẻ bởi nhiều nghệ sĩ, diễn viên trẻ, mới, các Đoàn còn đầu tư những ca khúc mới, những cách dàn dựng mới. Chẳng hạn với phần thi hip-hop, đội BR-VT đã hóa thành những chàng kĩ sư, công nhân ngành dầu khí vui vẻ trong bộ trang phục màu cam truyền thống. Đội Bình Dương thì xây dựng kịch bản về những thanh niên trẻ hành phương Nam mở đất, từ đó phát triển thành một vùng đất trù phú. Đặc biệt và ấn tượng nhất là màn nhảy của đội Đồng Nai khi đưa tính thời sự vào tiết mục của mình trong hình ảnh người chiến sĩ cảnh sát biển luôn sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tiết mục “Miền Đông rực sáng tương lai” của đoàn nghệ thuật quần chúng BR-VT. Ảnh: MINH QUANG |
HƯỚNG TỚI SỰ CHUYÊN NGHIỆP
Theo dõi xuyên suốt Hội diễn, khán giả cảm nhận được sự đầu tư nghiêm túc của các đơn vị, từ khâu chọn chủ đề chương trình, ca khúc đến giọng ca, dàn dựng sân khấu, đạo cụ. Chị Lê Thị Tú Quyên (đường 27-4, TP.Bà Rịa), một khán giả chia sẻ: “Nhà tôi ở gần Trung tâm Văn hóa tỉnh nên thấy có Hội diễn, tôi và mấy chị em hàng xóm rủ nhau đi xem. Các chương trình được dàn dựng công phu, đưa cả tính thời sự vào nên tiết mục gần gũi, dễ xem”.
Để có chương trình hay, đặc sắc và mang dấu ấn riêng, các đơn vị đã chuẩn bị suốt 2 tháng trước Hội diễn. NSƯT Lan Anh (Đoàn Ca múa nhạc tỉnh) cho biết, chị cùng nghệ sĩ Minh Hưng dàn dựng 2 tiết mục (Côn Lôn rực rỡ và Miền Đông rực sáng tương lai). Cả đội đã có 2 tháng chuẩn bị rất vất vả. Do các thành viên đều bận việc chuyên môn, nên cứ 12 giờ trưa mỗi ngày anh em lại tranh thủ tập luyện cùng nhau. Với những diễn viên, nghệ sĩ không chuyên, để tập thuần thục động tác đã khó, “ráp” 60 người vừa hát, vừa múa vào một đội và diễn nhuần nhuyễn từ đầu đến cuối càng khó hơn. “Rất may là ai cũng yêu nghệ thuật, yêu ca hát, nên cả đội hoàn thành phần thi khá xuất sắc. Gần đến ngày diễn, Nguyễn Minh Thành - một trong những diễn viên múa chính của đội bị trật khớp cổ chân, tưởng không diễn được. Anh đã xịt thuốc tê để tạm quên đi cơn đau và đã hoàn thành phần thi. Cả 2 tiết mục của đội đều đạt HCV tiết mục khiến ai nấy đều vui”, chị Lan Anh chia sẻ.
Nhạc sĩ Trần Tâm, Đội trưởng Đội Thông tin lưu động (Trung tâm Văn hóa tỉnh Đồng Nai) cho biết, toàn đội có 40 ca sĩ, diễn viên, huy động từ Trường Sỹ quan Lục Quân 2, ĐH Đồng Nai và các nghệ sĩ phong trào để tham gia Hội diễn. “Tư tưởng xuyên suốt chương trình của đội chúng tôi là giới thiệu một Đồng Nai với quá khứ hào hùng, hình ảnh và tư tưởng, đạo đức Bác Hồ trong kháng chiến và trong thời bình, đến một Đồng Nai sôi động, với những khu công nghiệp, xen vào đó là ca ngợi tỉnh là một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới”, nhạc sĩ Trần Tâm nói.
Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến - Trưởng ban Giám khảo chia sẻ, ông như được đắm chìm trong những chương trình ca múa nhạc rất hay và hấp dẫn trong suốt mấy ngày Hội diễn. Một số tiết mục gần như đạt đến tính chuyên nghiệp khiến Ban giám khảo rất bất ngờ. Năm nay, các tiết mục hát đều được sử dụng bè, có những đoạn các nghệ sĩ, ca sĩ sử dụng bè chồng bè rất khó nhưng tạo cho ca khúc có độ “dầy” về chất liệu.
Hội diễn “Tiếng hát miền Đông” lần thứ 18 đã kết thúc, nhưng những kỷ niệm đẹp, những dấu ấn về Hội diễn còn lưu giữ mãi trong lòng người tham gia. Đây là sự kiện văn hóa - nghệ thuật lớn, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân BR-VT trong những ngày đất nước đang náo nức tổ chức nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2018) và kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2018).
Hội diễn diễn ra từ ngày 20 đến 23-4, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh. Tham gia Hội diễn có hơn 500 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 8 đoàn NTQC của 8 tỉnh, thành khu vực miền Đông Nam bộ, gồm: BR-VT, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Ninh Thuận. Kết quả, Ban tổ chức đã trao 3 HCV cho các đơn vị: BR-VT, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao giải cho những tiết mục đặc sắc. |
Bài, ảnh: MINH QUANG