Tọa đàm về thơ lục bát: Đừng biến thơ lục bát thành bài vè
Ngày 22-4, Ban Văn học, Hội VHNT tỉnh đã tổ chức tọa đàm chuyên đề “Thơ lục bát xưa và nay với các nhà thơ tỉnh BR-VT”. Tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi và những bài tham luận của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình trên địa bàn tỉnh.
Buổi tọa đàm về “Thơ lục bát xưa và nay với các nhà thơ Bà Rịa-Vũng Tàu”. |
Thơ lục bát là cả một kho tàng đồ sộ, đã được các bậc tiền bối phát triển từ các câu ca dao dân dã nhẩn nha tình tứ, bay bổng, rồi sâu cay, thấm thía đủ hương vị Việt: “Ba đồng một mớ trầu cay/Sao anh không hỏi những ngày còn không?/Bây giờ em đã có chồng/Như chim vào lồng như cá cắn câu…”.
Nhiều ý kiến đồng quan điểm rằng, trong bối cảnh bị ngoại xâm phương Bắc cai trị ngót nghét ngàn năm, bị đồng hóa văn hóa, trong đó có thơ ca, nhưng những học giả Việt Nam đã tìm lối đi riêng cho thơ là phát triển từ ca dao, đồng dao, dễ làm, dễ nhớ. Vì thế, thơ lục bát phù hợp với tầng lớp bình dân mà vẫn uyên bác, sâu sắc. Những thi phẩm kinh điển như Truyện Kiều của Nguyễn Du, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu đã trở thành những câu thơ lưu truyền trong ký ức mỗi người dân Việt, cho đến những thi nhân như Tản Đà, Tú Xương, Nguyễn Bính, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Trần Đăng Khoa… sau này đã góp phần tạo nên một gia tài thơ lục bát phong phú trên thi đàn Việt: “Anh xa để lạnh đôi bờ/Đò em cứ chảy lơ thơ giữa dòng/Đừng buông giọt mắt xuống sông/Anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm…” (Đêm sông Cầu - thơ Đồng Đức Bốn).
Thế nhưng, các nhà thơ cũng có quan điểm khác nhau về thơ lục bát hiện nay. Nhà thơ Nguyễn Đức Đát cho rằng lục bát là thể thơ cổ nên chăng cứ giữ nguyên lối truyền thống, đừng nên cách tân, thay đổi nhiều. Nhưng nhà thơ Châu Hoài Thanh thì ngược lại: “Tôi thích thơ lục bát mới bởi sự cách tân, nội dung bao hàm và tính chất trừu tượng của nó. Nó hay ở sự lấp lánh, thăng hoa và tư duy mới mẻ. Tôi đã cất công tìm thơ lục bát trong các tập tạp chí của Hội nhưng thấy rất ít, chỉ chiếm tỷ lệ trên dưới mười phần trăm của trang thơ”.
Đạo diễn, nhà thơ Phan Vinh chỉ ra mối liên quan giữa thơ lục bát với các loại hình sân khấu dân tộc, tạo nên nét văn hóa truyền thống độc nhất vô nhị của người Việt như tuồng, chèo, cải lương, hò Quảng. Nhà thơ Vũ Thanh Hoa cũng có dịp chia sẻ về con đường đến với thơ lục bát của mình và nguyên cớ chị xuất bản một tập thơ gần 70 bài chỉ riêng về thể thơ này, với tựa đề Lục bát phố. Theo Vũ Thanh Hoa, sự chuẩn mực trong niêm luật, cách ứng đối bằng trắc chính là thách thức thú vị cho mỗi tác giả, đòi hỏi sự sáng tạo biến hóa tài tình trên mỗi câu chữ và thi ảnh. Và chị nhận ra trong tâm hồn mỗi người Việt Nam, ai cũng sẵn có những câu thơ lục bát của riêng mình, vấn đề là sẽ đánh thức nó vào lúc nào mà thôi. Vũ Thanh Hoa cho rằng để có một bài thơ lục bát hay là rất khó, bởi không có tài năng văn chương rất dễ biến một bài thơ lục bát thành một bài vè, bài văn vần. Do đó, người làm thơ cần có những tìm tòi, nghiên cứu để thơ lục bát luôn tươi mới, hấp dẫn thế hệ trẻ chứ đừng là những bài nhang nhác bóng xưa cũ, sao chép vụng về ý tưởng của các bậc tiền bối.
“…Mưa ngày xưa đã Giao thừa/nỗi buồn năm cũ cũng vừa tô son/giữa mây vẽ một vòng tròn/vờ như mất mất còn còn ung dung/đáy ly rót ngập hoàng hôn/em ngồi lặng lẽ tô son nỗi buồn….” (Thơ Vũ Thanh Hoa).
Nhà thơ Tôn Quang Minh thì cho rằng: “Đối với lục bát, người ta dễ thấy hay, thấy dở nhưng hỏi vì sao hay vì sao dở thì lại là vấn đề hóc búa. Khi nghe, ngay cả khi đọc ta rất dễ bị cái vần, cái điệu của lục bát mê hoặc kéo đi mà chưa biết sẽ đi đâu, về đâu”. Thông điệp mà Tôn Quang Minh gửi đến các nhà thơ là: Hãy cẩn thận hơn khi làm thơ lục bát.
Tọa đàm khép lại nhưng các nhà thơ vẫn còn nhiều điều muốn nói về thơ lục bát. Thơ lục bát Việt đã trở thành quốc hồn, quốc túy của dân tộc Việt, như nhà phê bình Chu Văn Sơn nhận định: “Người Âu Tây tự hào về thể thơ Sonnê, người Trung Quốc tự hào về thơ Đường luật, người Nhật Bản tự hào về thơ Haiku… còn người Việt Nam có quyền tự hào về thơ lục bát”.
Hy vọng thơ lục bát sống mãi trong trái tim những người yêu thơ Việt, sẽ có những tác phẩm đặc sắc đầy sáng tạo mang tính kế thừa và phát huy những thành tựu rất đỗi tự hào mà chúng ta đã có.
Bài, ảnh: NGUYỆT CHI