.
TẠP BÚT:

Nhớ những trò chơi xưa

Cập nhật: 07:55, 06/04/2018 (GMT+7)

Hồi nhỏ, tôi hay ra khỏi nhà vào những buổi chiều. Đôi chân trẻ nít cũng chỉ quẩn quanh trong lòng xóm cũ đường cũ. Và tiếng cười mở ra thiên đường rộn rã của những cuộc chơi bất tận, của gió, của diều, của cánh đồng chọi dế, của đá sỏi ô quan, của nắng trưa giành bóng… Đi qua bóng râm, tôi lại trèo cây hái trái, chạy qua nước lớn đã thấy mình trần tắm sông. Bằng cách đó, những ngăn nhớ chứa đầy hồi ức giăng mắc lên hiện tại, chân chất. 

Minh họa của SƠN MINH
Minh họa của SƠN MINH

Đôi lúc, tôi ngẩn ngơ tự hỏi tại sao hồi nhỏ lũ trẻ nít lại không thích mang dép, đội mũ, dù cái nắng thì cứ hầm hập như thiêu như đốt trên đỉnh đầu, còn những con đường mòn lúc nào cũng trải đầy sình lầy đá sỏi hại chân. Rồi tôi cũng tự tìm thấy câu trả lời. Bởi những cuộc chơi liên hồi thông qua vài ba tiếng gọi í ới lúc trưa trời vọng ra từ góc xóm khiến tôi mê mải, hoặc giả tôi không muốn để mình phải bận lòng trông ngó khi lỡ say mê đuổi theo một trái bóng lăn, hay chân trần vướng víu khi đang thi nhau leo cây cùng lũ bạn. Và khi ấy, tôi chợt nhận ra, dường như đó cũng là một đặc quyền riêng biệt của tụi con nít xóm nghèo khi cho phép mình rũ bỏ những thứ đồ đạc lỉnh kỉnh bao quanh chỉ để lao vào vài ba cuộc chơi thiếu thời rộn rã.

Những trò chơi quê mùa cũng chỉ mang dáng dấp của những thứ sẵn có. Bãi đất trống là nơi tập kích cho lũ trẻ bắn kè, cây dâm bụt thảm thương trụi lá bởi tụi nhỏ thường ra ngắt lấy ngắt để về băm nhuyễn để thổi bong bóng long lanh (đứa nào lười thì lén lấy xà bông giặt đồ của má ra pha với nước), cây trâm bầu trứng cá là thức quà chiều ngọt lịm, đá sỏi thì được nhặt nhạnh đem chơi ô quan… Và mùa hè thiên đường mở ra vô vàn lựa chọn cho trẻ nít, vậy nên cũng đừng hỏi tại sao đó là mùa được chờ đợi nhất trong năm, cũng như là mùa được yêu thích nhất của lũ nhỏ. Bởi 90 ngày Hè, trẻ con lại được dịp vẫy vùng trong những cuộc chơi không ngớt. 

Mỗi lần nhắc lại những trò chơi đó, tôi luôn thất thểu vì chẳng bao giờ tìm thấy ở hiện tại, dù đôi lúc có đi ngang qua những đồng diều, cũng nghe tiếng chân trẻ rộn ràng với những cánh diều đủ màu đủ sắc lơ lửng giữa trời xanh, nhưng nó đã bao hàm một ý nghĩa khác. Cũng là diều đó nhưng không hoài niệm, cũng là vui đó nhưng không vui lâu, bởi những thứ đó không được đánh đổi bằng mồ hôi công sức tỉ mẩn tay uốn tay dựng. Bây giờ mỗi khi người ta nhắc đến một đồng diều, bạn sẽ không nghĩ tới những con diều thủ công hình thoi dày đặc chữ cắt ra từ sách báo nữa, mà là những con diều được chế tác tinh xảo và phủ lên bằng đủ sắc màu lớp lang chao lượn. Là tôi quá mẫn cảm với tuổi thơ hay vì tôi không động lòng trước sự thay đổi của hiện tại? 

Mấy đứa cháu con chị Ba, lần đầu tới nhà tôi đã than không có gì để chơi. Tôi bèn lấy que, lấy giấy ra chỉ tụi nhỏ nắn nót làm diều. Dĩ nhiên là qua năm tháng những con diều đã không còn được đẹp như chính đôi tay nhỏ xíu ngày xưa từng làm. Chị Ba vặn vẹo, làm diều chi cho cực, muốn chơi thì chạy ra góc đường mà mua, người ta bán đầy, có đáng bao nhiêu đâu. Tôi biết chị nói bâng quơ vậy thôi, nhưng mà lòng nghe nhói. Lúc đó tôi nghĩ chắc chẳng còn mấy ai hiểu được cái cảm xúc khi tự tạo ra một cuộc chơi, bởi những niềm vui giờ được đánh đổi bằng vật chất tiền bạc, người ta muốn vui nhưng lại sợ nhọc công, tốn sức.

Tôi ví cái cảm giác thất vọng của mình như một nghệ sĩ đi trên dây, khó khăn lắm mới đi hết từ đầu dây này đến đầu dây kia ở một độ cao chóng mặt chỉ với việc giữ thăng bằng bằng một cây sào dài. Đi hết đoạn dây rồi mà không thấy ai vỗ tay động viên tán thưởng nên hẫng hụt. Tôi không ngạc nhiên khi chứng kiến những cuộc chơi quê mùa bị khước từ bởi những cái lắc đầu ái ngại, chỉ là đôi lúc tôi cảm thấy nhớ mình đã từng có một trời tuổi thơ rộn rã riêng dành… 

KAI HOÀNG

.
.
.