.

Định hướng thị hiếu âm nhạc cho giới trẻ

Cập nhật: 08:23, 06/04/2018 (GMT+7)

Nghe nhạc không chỉ là nhu cầu giải trí đơn thuần mà còn thể hiện thị hiếu văn hóa của giới trẻ. Do đó, việc xác định đúng đắn thị hiếu âm nhạc của giới trẻ Việt Nam, qua đó nâng cao thẩm mỹ âm nhạc Việt nói riêng và văn hóa Việt nói chung là vấn đề của cả những người làm nghệ thuật lẫn sự chung sức của toàn xã hội. 

Nhạc sĩ, ca sĩ Vũ Cát Tường được đánh giá là nghệ sĩ trẻ tài năng.
Nhạc sĩ, ca sĩ Vũ Cát Tường được đánh giá là nghệ sĩ trẻ tài năng.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia được đánh giá là khá thành công trong việc quảng bá văn hóa đất nước mình tới bạn bè quốc tế thông qua âm nhạc. Chỉ trong khoảng hơn 10 năm, nền công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc đã phủ sóng toàn cầu. Sự kiện nhóm BTS (nhóm nhạc nam hip-hop nổi tiếng của Hàn Quốc gồm 7 thành viên) dẫn đầu cuộc khảo sát danh sách “100 nhân vật có sức ảnh hưởng nhất thế giới năm 2018” bao gồm các lĩnh vực giải trí, chính trị, kinh tế… do tạp chí Time tổ chức hàng năm, đã minh chứng cho sức ảnh hưởng rộng lớn của các ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc ở tầm cỡ thế giới, khiến cho nền âm nhạc hùng mạnh Âu - Mỹ cũng phải nể phục. 

Người trẻ Việt trước đây nghe nhạc gì? 

Khi đất nước tạm chia hai miền Nam - Bắc, thị hiếu thưởng thức âm nhạc của cư dân hai miền cũng khác nhau. Ở miền Bắc, cùng với không khí nô nức ra trận bảo vệ Tổ quốc, những giai điệu hào hùng được các bạn trẻ hát vang khắp nơi, vừa có nội dung cổ vũ kháng chiến nhưng vẫn đậm chất trữ tình. Nhiều bài hát đến nay vẫn còn được khán, thính giả ưa thích như: Vàm Cỏ Ðông của Trương Quang Lục; Trường Sơn Ðông, Trường Sơn Tây (Hoàng Hiệp); Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh (Nguyễn Văn Tý), Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long (Huỳnh Thơ), Cô gái Sài Gòn đi tải đạn (Lư Nhất Vũ)... Có những tác phẩm thể hiện đỉnh cao tài năng cũng như kỹ thuật thanh nhạc của nhạc sĩ, ca sĩ như Trường ca sông Lô (Văn Cao), Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Bóng cây Kơ-nia (Phan Huỳnh Điểu)… 

Ở miền Nam, kế thừa dòng nhạc tiền chiến, bên cạnh dòng nhạc “vàng” là các tên tuổi nhạc sĩ với những bài tình ca bất hủ: Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương, Vũ Thành An… đã làm mê đắm trái tim những người trẻ thời đó. Trịnh Công Sơn được coi là nhạc sĩ tiêu biểu có những tác phẩm bất hủ về cả hai mảng ca tình ca và phản chiến. Những sáng tác của Trịnh Công Sơn lan tỏa từ thế hệ trẻ đến người lớn tuổi. Cho đến nay, dù ông mất đã 17 năm nhưng tên tuổi và tác phẩm của ông vẫn luôn được nhắc đến, như nhà thơ Anh Ngọc nói: “Nhạc Trịnh viết về thế giới con người, đi qua “cái” một người đến với mọi người, một thời đến với mọi thời, một nơi nói đến mọi nơi”. 

Khi đất nước thống nhất, người trẻ hai miền Nam - Bắc có điều kiện giao thoa về văn hóa, với lớp nhạc sĩ đón nhận thêm những xu hướng của nhạc Âu - Mỹ, Nhật, Thái Lan, Trung Quốc. Đời sống nhạc Việt Nam lúc ấy sôi động hơn bao giờ hết, có lẽ cũng chính từ nhu cầu văn hóa tinh thần của khán thính giả trẻ. Các nhạc sĩ sáng tác đi tiên phong trong phong trào nhạc nhẹ phải kể đến: Thanh Tùng, Từ Huy, Tôn Thất Lập, Dương Thụ, Nguyễn Văn Hiên, Nguyễn Ngọc Thiện, Hoàng Hiệp… đã đem luồng gió mới thổi vào nền âm nhạc Việt Nam, tạo nên những dấu ấn nhất định.

Giới trẻ Việt ngày nay nghe gì?

Giới trẻ ngày nay được tự do lựa chọn những điều mình thích. Thời đại của công nghệ số đã mở ra những cánh cửa bất tận cho âm nhạc. Chính khoảng bao la đó có khi lại khiến cho các bạn trẻ choáng ngợp, bối rối trước những làn sóng âm nhạc đủ mọi trào lưu và cũng khiến cho thị hiếu của họ nhiều về số lượng nhưng thiếu hụt về chất lượng. Nhạc trẻ ngày nay hấp dẫn người nghe bởi tính sôi động, phù hợp với xã hội hiện đại và phát triển ở nhiều thể loại như Pop, Ballad, R&B, Hiphop, Rap… Một số nhạc sĩ trẻ có những tác phẩm được giới trẻ hiện nay đón nhận như Sơn Tùng, Vũ Cát Tường, Phạm Toàn Thắng, Tiên Cookie…

Các sân chơi âm nhạc trên truyền hình cũng góp phần trợ giúp cho những tài năng tỏa sáng, nhưng mặt trái của nó là khiến cho những người trẻ đôi khi nhầm lẫn về tài năng và các giá trị của lao động nghệ thuật. Có những cái tên chỉ sau một đêm đăng quang một cuộc thi âm nhạc, đã trở thành ngôi sao rồi lại mất hút giữa bầu trời nghệ thuật. 

Công nghệ số cũng hỗ trợ đắc lực cho những người đam mê sáng tác, khiến họ có thể “làm nhạc” mọi lúc mọi nơi và vì thế cũng kéo gần hơn khoảng cách giữa tính chuyên nghiệp và “tay ngang”. Sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nhạc Hàn Quốc cũng làm cho nhạc trẻ Việt gần đây mất đi bản sắc riêng của mình. Trang phục, phong cách của ca sĩ và cả giai điệu, ca từ cũng ảnh hưởng sâu sắc bởi nhạc Hàn Quốc và như thế, người nghe thà nghe nhạc Hàn chứ không nghe những phiên bản nhạc Việt thiếu sáng tạo. 

Cuộc sống hiện đại với những thất vọng, cô đơn, và áp lực đô thị ảnh hưởng nhiều đến thị hiếu âm nhạc của cả người sáng tác và người nghe nhạc. Nhạc sĩ Tiến Luân nhận định: “Áp lực nổi tiếng của cuộc sống hiện nay khiến nhiều người viết trẻ phải tận dụng những gì đã giúp họ tạo ấn tượng thay vì nghĩ đến việc sáng tạo ra những thứ khác biệt, mới mẻ hơn”. Trên bảng xếp hạng nhạc trẻ gần đây nhất (3-2018 của ZingMp3), nhiều ca khúc có ca từ khá đơn giản nhưng lại xếp hạng cao như: Cô gái 1m52, Mình cưới nhau đi, Người lạ ơi, Người phản bội, Em gái mưa… Chẳng hạn, bài Cô gái 1m52 có đoạn: chẳng giống mấу cô người mẫu/Em đẹp xinh cô gái Việt/chẳng son phấn tô sắc mầu/Em giản dị theo cách riêng/chỉ cao 1m52…  Có vẻ như khái niệm “giản dị” ở đây đã trở thành “dễ dãi”, “tầm thường”. 

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng: “Chúng ta phải xây dựng được lực lượng công chúng biết thưởng thức âm nhạc, biết yêu âm nhạc và đánh giá các loại hình âm nhạc khác nhau. Đó mới là nền tảng cho một nền âm nhạc phát triển lâu bền, hưng thịnh...”. Và như Platon, triết gia vĩ đại của Hy Lạp nói rằng: “Người tràn ngập âm nhạc trong tầm hồn, mới có thể tràn ngập tình yêu với những điều tốt đẹp nhất”.

VŨ THANH HOA

.
.
.