.

Nét đẹp của trang phục Kimono

Cập nhật: 06:33, 31/08/2013 (GMT+7)

Mỗi dân tộc đều có trang phục truyền thống. Nếu như Hàn Quốc có Hanbok, Việt Nam có áo dài thì Kimono là trang phục truyền thống nổi tiếng của xứ sở Hoa anh đào.

Thiếu nữ Việt Nam với trang phục kimono Nhật Bản.
Thiếu nữ Việt Nam với trang phục kimono Nhật Bản.

Kimono là quốc phục của Nhật Bản suốt hơn 1.000 năm qua, ra đời vào triều đại Heian (794-1185). Ở thời kỳ này, người Nhật thường mặc kimono với 12 lớp áo. Những người trong hoàng tộc, có khi mặc những bộ kimono có đến 16 lớp áo khác nhau. Đến triều đại Kamakura (1192-1333), do sự ảnh hưởng từ tầng lớp binh sĩ và quân nhân, đòi hỏi phải có những bộ trang phục nhẹ nhàng, tinh gọn, nên kimono không còn cầu kỳ như trước, thay vào đó là những bộ kimono tay ngắn. Thời kỳ này, các chiến binh mặc những bộ kimono có màu sắc tượng trưng cho thủ lĩnh của họ. Vì thế, người ta ví rằng, đôi khi trên chiến trường sặc sỡ những màu sắc khác nhau của kimono y như một buổi trình diễn thời trang. Vào thời đại Edo (1603-1868), do sự du nhập từ các nước phương Tây, những bộ Âu phục dần trở nên phổ biến hơn kimono. Nhưng cũng chính trong thời kỳ này, kimono có sự thay đổi lớn, đó là sự ra đời của thắt lưng (obi). Ngoài chức năng giữ cho kimono vào đúng chỗ, obi còn có tác dụng trang trí, tôn dáng vẻ của bộ trang phục và giúp người mặc “khoe” gu thẩm mỹ của mình.

Kimono Nhật Bản có nhiều loại khác nhau. Dựa vào việc mặc trang phục kimono, người ta phân biệt được tuổi tác, tầng lớp xã hội hoặc theo mùa. Chẳng hạn Furisode là loại kimono dành riêng cho những cô gái chưa chồng; Houmongi và Tomesode là trang phục của người phụ nữ đã có chồng; còn Yukata là loại kimono dùng để mặc trong mùa hè. Nhưng dù mặc kiểu kimono nào, người Nhật luôn nghĩ đến yếu tố thời tiết trước tiên. Các kimono có màu sáng, rực rỡ, người Nhật thường mặc trong mùa xuân; màu mát như tím nhạt, xanh đen mặc mùa hè; mùa thu họ chọn màu mô phỏng mùa lá rụng và mùa đông thường mặc những kimono có màu mạnh mẽ như đen, đỏ.

So với trước đây, kimono ngày nay được thiết kế đơn giản, gọn nhẹ, gồm áo lót trong và kimono ngoài. Tuy nhiên, cách thức mặc kimono vẫn tuân thủ theo những nguyên tắc riêng. Người mặc kimono phải quấn bên phải vào trước, sau đó mới quấn bên trái. Nếu quấn ngược lại được dùng khi đi dự tang lễ. Người mặc kimono phải đi guốc gỗ và mang bít tất màu trắng. Ngày nay, người Nhật chủ yếu mặc kimono vào dịp lễ, tết, lễ cưới, lễ trà đạo, lễ trưởng thành…

Nhiều người nghĩ rằng, những bộ kimono đẹp, cầu kỳ phải xuất xứ từ Nhật Bản, nhưng ít ai biết rằng, việc may kimono đã được thực hiện từ hơn 20 năm trước tại Việt Nam. Năm 1992, bà Eriko Watanobe đã đến TP. Hồ Chí Minh, đặt nền móng cho ngành may kimono tại Việt Nam. Hiện tại, bà Eriko Watanobe là Giám đốc Công ty Kimono E Japan (TP. Hồ Chí Minh). Theo bà Eriko Watanobe, việc mở công ty may kimono tại TP. Hồ Chí Minh nhằm thỏa mãn niềm yêu thích may kimono mà bà được học qua người mẹ từ lúc còn nhỏ. Trong “Ngày văn hóa Việt Nam – Nhật Bản” vừa được tổ chức tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bà Eriko Watanobe cùng nhân viên công ty đã có gian hàng giới thiệu các loại kimono Nhật Bản đến người dân Bà Rịa - Vũng Tàu và du khách.

Chị Trần Thị Thu Đông, nhân viên Công ty Kimono E Japan cho biết, phương pháp may kimono là cắt các mảnh vải theo đường thẳng và khâu chúng lại với nhau. Tất cả các công đoạn may kimono đều được các thợ may may bằng tay, với nhiều đường may rất chi tiết, tỉ mỉ và khá tinh tế. Với mảnh vải dài từ 12-13m, rộng 36-40m, được cắt thành 8 mảnh. Trong đó, có 4 mảnh chính dùng làm thân và tay áo. Các mảnh còn lại dùng làm cổ áo và miếng lót. Lụa, cotton, lanh… là những loại vải chủ yếu để may kimono.

Cùng với hoa Anh Đào, núi Phú Sĩ, kimono đã trở thành biểu tượng văn hóa đặc trưng riêng của đất nước Nhật Bản.

Bài, ảnh: CẨM NHUNG

.
.
.