.
TRIỂN LÃM SÁCH BÁO “ÂM VANG ĐIỆN BIÊN”:

NHỚ LẠI VÀ SUY NGHĨ

Cập nhật: 14:31, 07/05/2004 (GMT+7)
Đông đảo các em học sinh, chiến sĩ đã đến xem triển lãm.

Suốt 50 năm qua, kể từ khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, đã có hàng ngàn tác phẩm của các nhà chính trị, các tướng lĩnh, các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ viết về sự kiện chấn động địa cầu này. Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, triển lãm sách báo "Âm vang Điện Biên" tại Thư viện Tổng hợp tỉnh với gần 3.000 tư liệu các loại đã giúp công chúng có dịp hệ thống lại và bổ sung những kiến thức về Điện Biên Phủ, để có một cái nhìn đầy đủ hơn về một mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc.

ĐIỆN BIÊN PHỦ, BỨC TRANH TOÀN CẢNH

Đã nửa thế kỷ qua, Điện Biên Phủ vẫn luôn là đề tài nóng bỏng, gây tranh luận sôi nổi ở phương Tây và là nguồn cảm hứng vô tận cho thơ ca, nhạc họa… Trong những ngày cùng cả nước sống lại năm tháng hào hùng của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, triển lãm sách báo "Âm vang Điện Biên" do Sở Văn hóa - Thông tin (VH-TT) tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự, Thành đoàn Vũng Tàu và Hội Cựu Chiến binh tổ chức càng thêm phần ý nghĩa.

Ông Hoàng Văn Định, Phó Giám đốc Sở VH-TT cho biết: "Triển lãm giới thiệu gần 3000 tư liệu gồm: sách, báo, tạp chí, CD-Rom, tranh ảnh, phim tư liệu. Triển lãm có 4 chủ đề chính, giới thiệu sự ra đời, trưởng thành và lớn mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, mở cửa từ ngày 28-4 đến 14-5-2004 tại Thư viện Tổng hợp tỉnh, phục vụ rộng rãi mọi đối tượng bạn đọc đến tìm hiểu, nghiên cứu. Qua triển lãm này, chúng tôi mong sẽ giúp cho công chúng bạn đọc Bà Rịa - Vũng Tàu, đặc biệt là lớp trẻ hiểu rõ hơn về truyền thống đấu tranh anh dũng của cha anh trong sự nghiệp giành độc lập, tự do cho đất nước".

Những gì được trưng bày tại triển lãm "Âm vang Điện Biên", từ những bộ phim tư liệu đến các tác phẩm Bài ca Điện Biên (Nhiều tác giả – NXB Quân đội nhân dân. Hà nội 1984), Trận Điện Biên Phủ nhìn từ hai phía (Lê Kim – NXB Thanh niên. Hà nội 1994), Điện Biên Phủ (Võ Nguyên Giáp – NXB Chính trị Quốc gia. 1988), Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt của người Pháp (Jules Roy – NXB TP.Hồ Chí Minh. 1994), Thời điểm của sự thật (Hồi ký về Điện Biên Phủ của Henri Navarre – NXB Công an nhân dân. 1979)… đã thể hiện nhiều cách nhìn với nhiều góc độ khác nhau về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, trong đó bao gồm cả những lời "sám hối" của các tướng lĩnh Pháp, Mỹ trước thất bại cay đắng trên chiến trường Đông Dương. Qua triển lãm này, sự kiện Điện Biên Phủ và những trang hồi ức mang đầy sức thuyết phục của những nhân chứng cả hai phía đã cung cấp cho người xem một bức tranh toàn cảnh, rõ nét, chân thực về chiến thắng "lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu", đồng thời bồi đắp thêm cho người xem niềm tự hào về truyền thống anh hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

HỌ ĐÃ XEM VÀ XÚC ĐỘNG

Ông Đặng Viết Bình, cựu chiến binh Điện Biên Phủ, hiện ngụ tại phường 3, TP. Vũng Tàu đứng lặng trước những hình ảnh mà bộ phim tư liệu về Điện Biên Phủ đang chiếu tại triển lãm. Ông bảo rằng đã bao nhiêu lần ông được xem lại những hình ảnh này trên ti vi và lần nào cũng có cái cảm xúc trào dâng mãnh liệt như vậy. Đối với ông, Điện Biên Phủ luôn là niềm tự hào mỗi khi kể cho con cháu nghe về cuộc đời binh nghiệp của mình. Ông tâm sự: "Đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nên đến xem triển lãm, tôi như được sống lại thời trai trẻ của mình. Mỗi cuốn sách, mỗi bài báo là một góc nhìn về Điện Biên Phủ một cách chân thực và sinh động, giúp cho lớp trẻ hiểu rõ hơn về những gì mà các thế hệ cha anh đã cống hiến và hy sinh". Ông cho biết thêm, vào các năm gần đây đã xuất hiện những cách tiếp cận mới về chiến tranh Việt Nam và Điện Biên Phủ, như tìm hiểu sâu về chiến tranh cách mạng, ý thức hệ, soi rọi cuộc chiến qua lăng kính khoa học quân sự hiện đại… Ở góc độ nào cũng đã chứng tỏ rằng, tầm ảnh hưởng của Điện Biên Phủ rất lớn.

Bài, ảnh: Lam Giang

.
.
.