Hội tụ các sắc màu văn hóa
Với sự góp mặt của những người đẹp đến từ 9 dân tộc Kinh, Êđê, Hoa, Nùng, S’tiêng, K’Ho, Chăm, Thổ, H’rê… các thí sinh dự vòng bán kết cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, khu vực phía Nam (vừa diễn ra tại khách sạn Imperial, TP. Vũng Tàu) đã mang đến một không gian đầy sắc màu.
Các thí sinh thuộc nhiều dân tộc cùng nắm tay nhau ra sân khấu, thể hiện tình đoàn kết của 54 dân tộc anh em. Đó cũng là ý nghĩa sâu sắc của cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, năm 2013. |
57 thí sinh đã tham dự các phần thi gồm: kiểm tra nhân trắc học, ứng xử, trình diễn áo tắm và trang phục dân tộc. Đúng như chủ đề của cuộc thi là “Hương sắc Việt Nam”, các thí sinh đã đem đến những hương sắc khác nhau về vẻ đẹp của mảnh đất, con người, bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Truyền thống mẫu hệ của dân tộc Êđê; Lễ hội Lùng tùng (hội xuống đồng) của dân tộc Nùng; di sản văn hóa vật thể nhân loại phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn; trang phục truyền thống dân tộc Hoa, Chăm… được các thí sinh khéo léo giới thiệu qua các phần thi góp phần tô đậm thêm nền văn hóa phong phú, đa dạng trên khắp mọi vùng miền của Tổ quốc.
Trong phần thi ứng xử, các thí sinh đã “khoe” vẻ đẹp trí tuệ và bắc nhịp cầu văn hóa đến với khán giả. Thí sinh Triệu Thị Tươi (Đắk Lắk) đã giới thiệu về lễ hội Lùng tùng - nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Nùng: Tại lễ hội Lùng tùng, người dân quây quần bên nhau, vui chơi trong các trò chơi tập thể, hát những làn điệu dân ca, hát then, thanh niên giao duyên và cùng nhau uống chén rượu nồng đắm say tình người của dân tộc Nùng trên mảnh đất cao nguyên.
Thí sinh H’Tuyết Ayủn (Đắk Lắk) “khoe” về truyền thống mẫu hệ của dân tộc Êđê: “Theo truyền thống mẫu hệ, con cái mang họ mẹ, trong gia đình, người phụ nữ được coi trọng và có quyền bình đẳng. Cũng nhờ truyền thống mẫu hệ mà con gái Êđê rất mạnh mẽ và độc lập. Em rất tự hào mình là người con gái Êđê, mang dòng họ của mẹ”.
Nếu trong phần thi ứng xử, vẻ đẹp trí tuệ, tâm hồn được tỏa sáng thì trong phần thi trình diễn áo tắm và trang phục dân tộc, các thí sinh đã cho khán giả thấy được vẻ đẹp hình thể, sự duyên dáng, khỏe khoắn, năng động. Trong phần thi áo tắm, các thiếu nữ đã làm cho phần thi sôi động, tươi sáng bởi sắc xanh cùng thành phố biển Vũng Tàu được mang lên sân khấu trong những bộ áo tắm màu xanh nước biển. Còn ở phần thi trình diễn trang phục dân tộc, nhiều bộ áo dài đặc sắc và trang phục truyền thống của các dân tộc làm cho sắc màu văn hóa Việt Nam thêm đa dạng. Đó là tà áo dài in hình ảnh quần đảo Trường Sa, thể hiện tình yêu và chủ quyền biển đảo Việt Nam của thí sinh Võ Thị Thùy Dung (Khánh Hòa); chiếc áo dài lụa trắng với họa tiết là hình ảnh khu phố cổ Hội An đầy ấn tượng của thí sinh Hồ Hoàng Trâm Anh (Quảng Nam); Trần Ngọc Nguyên Khánh (Lâm Đồng) duyên dáng, thoanh thoát, hiện đại trong tà áo dài cách điệu màu nâu với vẻ đẹp của những đóa hoa sen; những bộ váy thổ cẩm với nhiều họa tiết cầu kỳ, đẹp, khoe vẻ khỏe khoắn của các thiếu nữ dân tộc Êđê, Chăm… Dù khoác lên mình tà áo dài hay các trang phục truyền thống của dân tộc mình, các thí sinh đã thể hiện niềm tự hào dân tộc.
Vòng bán kết cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, khu vực phía Nam đã khép lại, nhưng những dư âm, ấn tượng và ý nghĩa tốt đẹp vẫn còn đọng lại mãi với bao khán giả. TS. Đoàn Thị Kim Hồng, đệ nhất hoa hậu quý bà thế giới cho biết, đây là cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia duy nhất được tổ chức trong năm 2013 nhằm tôn vinh vẻ đẹp hình thể, trí tuệ, tài năng và tâm hồn thiếu nữ các dân tộc Việt Nam, đồng thời, động viên, khích lệ thiếu nữ đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Cuộc thi còn có ý nghĩa cao quý hơn, đó là thắt chặt tình đoàn kết của 54 dân tộc anh em và giới thiệu những nét đẹp văn hóa của các dân tộc Việt Nam đến với mọi người trong và ngoài nước.
Bài, ảnh: CẨM NHUNG