Ông nội
![]() |
Minh họa: MINH SƠN |
1. Mỗi lần về thăm nhà, thằng Sang lại kể cho cả nhà nghe nỗi khổ trọ học bằng giọng càu nhàu. Đại loại như phòng chật chỉ bằng cái nhà vệ sinh ở nhà mình, lại không có cửa sổ. Có mỗi cửa chính nên lúc ngủ đóng vào cũng dở mà mở ra thì bất an. Nước, điện dùng chẳng bao nhiêu mà tốn tiền quá chừng. Còn hàng trăm thứ khổ không tên… Chú Ba tôi nghe nó than vãn một hồi, cười xòa:
- Thôi ráng đi. Mai mốt trúng số, bố mua cho một căn hộ chung cư ngoài đó.
Nói cho hạ hỏa thằng Sang chứ mấy đứa cháu biết chú chẳng bao giờ trúng số, vì có mua vé số bao giờ đâu mà đòi trúng. Nhưng thím Hòa tôi thì không có được sự tưng tửng của chồng. Thím đang quét nhà, dừng chổi lại trầm ngâm rồi thở dài tiếc rẻ:
- Phải chi hồi đó ông nội nhận cái nhà…
Tôi cũng từng được nghe câu đó từ mẹ tôi. Lúc đó chị Loan và chị Phượng đang học đại học ở Hà Nội. Chỉ tôi là đứa đi đường riêng của mình: Không ra Hà Nội mà vào tuốt Sài Gòn thi để khi trúng tuyển thì về nhà dì Út tôi tại Thủ Đức ở ké.
Chuyện cái nhà “hụt” của ông nội ở ngay Thủ đô lâu lâu lại có người nhắc tới như vậy đó. Nhắc, có thể để tiếc rẻ. Nhắc, có thể cũng chỉ để cho có chuyện mà nói, có lý do để nhớ về ông nội, chứ chuyện đã xa lắc từ hồi nào. Chỉ thế hệ cha chú biết chứ lũ nhóc chúng tôi chỉ được nghe kể lại mà thôi.
2. Ông nội tôi đi bộ đội từ khi đánh Tây; và đi miết đến khi về thì bà tôi đã già. Vậy nên trong làng, hồi đó nhà người ta rất đông con cháu, ông bà tôi chỉ có 2 con, mà cũng chỉ có cha tôi là con ruột. Còn chú tôi, nghe bà kể là con nhặt từ hồi nạn đói năm bốn lăm. Tuy nhiên, sau này ông bà tôi coi hai anh em như nhau nên đến thế hệ chúng tôi thì cái gốc tích chú tôi hầu như bị xóa mờ hết.
Đời đi bộ đội của ông dài như thế. Vậy nên đoạn trước, thời đánh Tây ra sao, đoạn giữa, thời đánh Mỹ ra sao, chúng tôi nghe kể lõm bõm rồi cũng quên. Chỉ biết nhà ông bà hồi đó, các loại huân, huy chương, giấy khen của ông nhiều lắm, treo khắp nhà.
3. Tháng 5 năm 1975, tức là vừa giải phóng xong, từ Hà Nội, ông nội về thăm nhà rồi lại đi. Mấy tháng sau, ông viết thư về cho các ông bác trong họ, đại ý rằng: “Em đã hoàn thành nhiệm vụ và đến lúc được nghỉ ngơi. Nhà nước có ý định cấp nhà cho em, vậy em xin ý kiến các bác”. Các ông bác khuyên rằng: “Chú đã cả đời trận mạc, không được gần gũi vợ con họ hàng và quê hương. Nay nghỉ hưu rồi, nhà cửa còn đó, để các cháu xúm lại sửa sang thêm một chút rồi đón chú về. Sống ở quê hương chả ấm áp hơn à?”. Ông nội tôi nghe theo, làm đơn từ chối việc cấp nhà ở Hà Nội, chỉ xin mấy thứ quà kỷ niệm rồi rời Thủ đô về làng. Đơn vị cho ông hẳn một chuyến xe chở về quê với mươi bộ quần áo lính còn mới, mấy cái chăn len màu lông chuột, mấy cái dù hoa, mấy thùng lương khô và một ít kẹo bánh Hà Nội. Thế là cả làng đều có quà của ông. Có một thứ quà đặc biệt ông đem tặng cho nhà văn hóa của xã là mấy tập sách in tổng kết công tác hậu cần trong chiến tranh chống Mỹ do ông chủ biên. Ông nói đó là nhiệm vụ cuối cùng của thời quân ngũ.
4. Lúc ông mới về, cuộc họp nào ông cũng được mời đến nói chuyện chiến trường. Lúc này, ông vẫn còn khỏe. Với hàm trung tá, mỗi lần bước lên bục trong bộ quân phục ngực đeo kín huân huy chương, với bàn tay trái thiếu đi 2 ngón - thương binh loại 2 - giơ ra lúc phát biểu, ông nhận được những ánh mắt cảm phục của mọi người. Nhưng rồi cũng qua dần giai đoạn đó. Cuộc sống cơm áo vào những năm sau chiến tranh còn nhiều khó khăn. Cả cha và chú tôi còn đi học đại học. Bà tôi đau yếu luôn cần thuốc thang. Vậy nên dù lương ông có cao cũng chẳng thấm tháp gì. Ông bắt đầu vạch kế hoạch tăng gia sản xuất.
Công việc đầu tiên là thuê thợ đào ao. Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo mà. Ông không định làm giàu nhưng phương án đặt ra là cung cấp đủ cá ăn cho cả nhà. Rồi cũng có cá ăn thật. Nhưng chỉ vài loài dễ tính nhưng kém ngon như trắm cỏ, trê phi, chứ sau đó thả cá chép, cá rô thì thất bại. Hơn nữa, nhà ở lưng chừng một ngọn đồi thấp, mùa nhiều mưa thì ổn, chứ chưa đến nắng hạn, ao nhà người ta còn nước thì ao của ông đã cạn khô, phải gánh nước đổ vào. Một thời gian sau, ông nản và chuyển qua nuôi gà. Nhưng gà là giống dễ bệnh. Chỉ cần thay đổi thời tiết hoặc có dịch nơi khác đến là đi toi cả đàn. Lúc đó vắc xin tiêm phòng cho gà chưa có sẵn như bây giờ. Chỉ sau vài lần thất bại ông lại nản. Con dê được thay thế cho con gà trong phương án tiếp theo với lý do: đó là con vật không ăn lương thực mà chỉ ăn cỏ và lá cây, đã vậy dê lại ít bị bệnh tật. Tuy nhiên, sức khỏe tuổi sáu mươi không cho phép ông đi chăn thả dê trong núi hàng ngày đều đặn được. Nói đàn dê cho oai nhưng cũng chỉ có chừng dăm ba con. Lợi ích kinh tế chia cho thời gian chăn thả và chăm sóc không lấy gì khả quan. Anh em, con cháu trong họ, ngoài làng chẳng ai dè bỉu việc tăng gia sản xuất của ông thất bại, chỉ động viên ông là thua keo này ta bày keo khác thôi. Ông đã không thể bày keo khác vì chút vốn liếng khi ra quân đã cạn nhẵn.
Lúc này tôi đã đủ lớn để mỗi chiều, sau giờ học, thì ra cổng đón ông cùng đàn dê trở về. Trong nắng nhạt chiều tà, dáng ông như còng lại trong bộ quân phục bạc màu. Có bữa theo bầy dê từ trong núi về vào ngày mưa, ông bị cảm mãi mới khỏi. Tôi ngồi bên ông, nắm bàn tay già nua gân guốc, bỗng thấy thương ông quá chừng.
Thi thoảng ông cũng đi thăm đồng đội cũ. Đó là những bạn bè cùng đơn vị ngày xưa ở rải rác khắp nơi. Những người xa chỉ khi có dịp và có sự tổ chức mới đi được. Có dăm người gần hơn, thi thoảng ông lại tự mình tới, hoặc là họ tới. Hầu hết cũng đều sức khỏe yếu như ông hoặc hơn ông. Có lần đi về, ông kể chuyện rộn ràng ra chiều vui vẻ lắm, nhưng cũng có những chuyến về ông trở nên trầm ngâm hơn.
5. Ấn tượng với tôi hơn cả là chuyện “tranh đấu” của Hội Cựu chiến binh của ông với chính quyền xã hồi đó.
Những năm sau thập kỷ 80 của thế kỷ trước, hợp tác xã nông nghiệp bắt đầu bộc lộ nhiều yếu kém và đất đai dần trở thành đối tượng nhắm đến của nhiều kẻ cơ hội. Những đồng khoai, ruộng lúa ven đường lộ thuộc sự quản lý của HTX dần dần bị nhòm ngó. Các cửa hàng, cửa hiệu xuất hiện ngày một nhiều, dần trở thành thị tứ từ những đám ruộng ven đường ấy. Lẽ dĩ nhiên là dân làng cũng từ từ quan tâm đến điều đó, nhưng cũng chỉ dừng lại trong những nhỏ to truyền miệng. Nghe nói là xã chia nền nhà bán, nghe nói quỹ đen của xã giờ nhiều lắm. Nghe nói có tiền, các quan xã hay tụ tập rượu thịt chó ở quán bà Tám lé. Chỉ ông tôi và mấy cựu chiến binh khác là không chịu nổi tình trạng mập mờ mà đưa vấn đề ra chất vấn thẳng thừng trong các cuộc họp Đảng bộ.
Lập luận “lấy đất đổi công trình” cho xã xem ra khá vững khi sau đó xã tôi cũng xây được vài ba công trình thuộc về “điện - đường - trường - trạm” khang trang hơn cũ. Tuy nhiên, theo tính toán của ông tôi và các bạn cựu chiến binh (CCB), vài ba công trình nhỏ đó không thể tiêu hết số lượng lớn “đất vàng” trong xã đã về tay tư thương.
Đơn của các ông đã lên đến huyện. Bất ngờ, công an huyện về và đột ngột thâm nhập vào cuộc họp khi mà biên bản nội dung và nhiệm vụ sắp tới của Hội Cựu chiến binh xã còn nguyên trên bàn thư ký và chủ tọa. 5 người Ban chấp hành Hội CCB, trong đó có ông tôi được xe đón mời về huyện làm việc. Từ tối hôm đó, bà con trong làng không ai được tin tức gì về họ. Đó là thời chưa có điện thoại cá nhân như bây giờ. Người ta xì xào là mấy ông lính già “được mời” ở lại.
Ba ngày sau, ông nội tôi và các bạn ông mới được về. Không biết nội dung làm việc ra sao, nhưng có vẻ như nhiều người đã nản sau vụ này. Chỉ ông tôi là không hề dịu lại. Dù đã yếu đi nhiều, ông vẫn tiếp tục kiên trì lên tỉnh nhiều lần. Có người lính cũ của ông đang làm chức vụ gì đó bên tỉnh và chính người này đã trực tiếp đưa đơn của ông tôi lên Thanh tra tỉnh.
Vài tháng sau, đoàn thanh tra về xã. Theo kết luận thanh tra, kinh phí xây mấy công trình ở xã chỉ chiếm một nửa số tiền bán những lô đất. Đó là chưa kể đất cũng được bán với giá khá rẻ do có sự đi cửa sau với nhau. Chủ tịch và bí thư xã mất chức, Đảng bộ xã bị kỷ luật. Một vài cán bộ ở huyện cũng liên đới nhận kỷ luật.
Sau đợt đó, ông tôi phát bệnh nặng và mất sau đó vài tháng. Đám tang ông nội tôi là đám tang đông nhất vùng hồi đó. Dù bận bịu trong các lễ nghi cúng kiếng chôn cất tôi vẫn nghe được những khen ngợi chân thành của nhiều người đến dự: Nếu chưa được phong anh hùng trong chiến tranh thì ông đã nghiễm nhiên là anh hùng trong lòng người dân ở vùng tôi. Người ta tin rằng sự quyết liệt của ông thức tỉnh được nhiều cán bộ ở địa phương sau này.
Truyện ngắn của HỘI AN