.

Góp bạc cắc thành tiền tỷ để giúp nhau sản xuất

Cập nhật: 23:03, 27/09/2016 (GMT+7)
Tham gia mô hình “Tổ tiết kiệm xoay vòng”, chị Nguyễn Thị Lệ Huyền (tổ 3, ấp Láng Dài, xã Láng Dài) có thêm vốn phát triển mô hình nuôi vịt đẻ trứng.
Tham gia mô hình “Tổ tiết kiệm xoay vòng”, chị Nguyễn Thị Lệ Huyền (tổ 3, ấp Láng Dài, xã Láng Dài) có thêm vốn phát triển mô hình nuôi vịt đẻ trứng.

Từ năm 2004 đến nay, mô hình “Tổ tiết kiệm xoay vòng” của Hội LHPN huyện Đất Đỏ trở thành chỗ dựa vững chắc cho nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vươn lên ổn định cuộc sống.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế của chị em phụ nữ trên địa bàn huyện Đất Đỏ, năm 2004, các tổ tiết kiệm được thành lập tại các chi hội trực thuộc; mỗi tổ có khoảng 25-30 thành viên tham gia. Hàng tháng, các thành viên trong tổ họp một lần, mỗi người góp từ 100.000-200.000 đồng. Chị em nào có hoàn cảnh khó khăn cần vốn đầu tư chăn nuôi nhỏ, trồng hoa màu hay có việc gia đình cần giải quyết sẽ được tổ ưu tiên cho vay trước, không tính lãi. Đến nay, huyện Đất Đỏ đã duy trì và phát triển được 435 tổ tiết kiệm xoay vòng với hơn 15.000 hội viên tham gia; số tiền mỗi hội viên góp vào hàng tháng cũng được nâng lên 500.000 đồng. Nhờ nguồn tiền tiết kiệm từ mô hình này, nhiều gia đình có thêm vốn buôn bán, sản xuất kinh doanh, nuôi con ăn học, sửa chữa nhà cửa và đặc biệt là giải quyết được những khó khăn đột xuất của gia đình.

 Xã Láng Dài là một trong những địa phương đi đầu trong việc phát triển mô hình “Tổ tiết kiệm xoay vòng” với hơn 1.000 hội viên tham gia vào 40 tổ tiết kiệm. Từ đầu năm đến nay, Chi hội phụ nữ xã Láng Dài đã huy động các hội viên tiết kiệm được 776 triệu đồng, hỗ trợ vốn cho 515 chị em. Tham gia “Tổ tiết kiệm xoay vòng” của ấp từ những ngày đầu mới thành lập (năm 2004), từ chỗ phải chạy vạy khắp nơi, làm đủ nghề: khoan giếng thuê, nuôi vịt, trồng lúa để nuôi 3 con ăn học, đến nay, vợ chồng chị Nguyễn Thị Lệ Huyền (tổ 3, ấp Láng Dài, xã Láng Dài) đã có “của ăn của để”. Cứ 2 năm một lần, chị Huyền lại được vay 2,5 triệu đồng từ tổ tiết kiệm gồm 25 chị em phụ nữ tham gia đóng góp. “Số tiền vay tuy không lớn nhưng đã giúp gia đình tôi có thêm tiền lo chi phí cho con cái ăn học, mua thức ăn chăn nuôi và trả lãi ngân hàng hàng tháng. Hiện tại, với 3.500 con vịt đẻ trứng và 200 con gà ta, trung bình mỗi tháng, tôi thu lãi khoảng 10 triệu đồng”, chị Huyền cho biết.

Còn tại xã Phước Hội, mô hình “Tiết kiệm xoay vòng” được nhân rộng ra 4 ấp với khoảng 1.000 hội viên tham gia. Mỗi tháng, các hội viên đóng góp 100.000-500.000 đồng. Hội viên nào được vay sẽ góp vào quỹ 40.000 đồng/lần vay. Cuối năm, số tiền quỹ này sẽ được chia đều cho các hội viên trong tổ bằng tiền mặt hoặc các vật dụng trong gia đình như chén bát, chậu nhựa… nhằm động viên chị em tích cực tham gia giúp đỡ nhau làm kinh tế, có thu nhập ổn định.

Năm 2013, gia đình bà Lê Thị Thúy Phượng (tổ 4, ấp Phước Lộc, xã Phước Hội) được vay 2 triệu đồng từ “Tổ tiết kiệm xoay vòng” để chăn nuôi bò, gà, vịt. Từ số tiền bán gà cộng với tiền vay thêm từ Ngân hàng CSXH, bà Phượng nuôi bò, mua máy về xới đất thuê. Hiện tại, kinh tế gia đình khá ổn định với thu nhập gần 100 triệu đồng/năm nhưng bà Phượng vẫn tham gia góp vốn vào tổ tiết kiệm để giúp các chị em khác trong ấp. “Theo chu kỳ, tháng 2 vừa qua, tôi được vay từ tổ tiết kiệm nhưng thấy nhiều hội viên khác có con nhỏ, hoàn cảnh lại khó khăn nên tôi nhường cho họ được vay trước”, bà Phượng chia sẻ.

Bà Trần Thị Chúc, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đất Đỏ cho biết, đa số chị em phụ nữ trên địa bàn huyện đều làm nông nghiệp, vốn ít, thu nhập không ổn định. Mô hình “Tổ tiết kiệm xoay vòng” được thành lập đã giúp các hội viên có thêm một số vốn để trang trải sinh hoạt trong gia đình, trả lãi ngân hàng hoặc chăn nuôi quy mô nhỏ.

“Từ đầu năm đến nay, các “Tổ tiết kiệm xoay vòng” tại các chi, hội đã huy động được hơn 8,3 tỷ đồng, giúp đỡ hơn 11.300 chị em phụ nữ trên địa bàn huyện. Ngoài tạo thói quen tiết kiệm cho chị em thông qua việc dành dụm, tích lũy trong chi tiêu gia đình, mô hình còn là nơi thể hiện sự quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ giữa các hội viên khá giả trong tổ với hội viên nghèo, giúp họ từng bước ổn định cuộc sống”, bà Chúc nói.

Bài, ảnh: BÙI HƯƠNG

.
.
.