.

Những vấn đề đặt ra khi chọn Gò Găng làm trung tâm nghề cá

Cập nhật: 22:39, 27/09/2016 (GMT+7)
Mặc dù nguồn hải sản trên vùng biển nước ta có giảm sút nhưng nhiều tàu đánh bắt hải sản của ngư dân BR-VT vẫn bám biển làm ăn. Trong ảnh: Bốc cá lên bờ sau chuyến biển.  Ảnh: THÀNH HUY
Bốc cá lên bờ sau chuyến biển. Ảnh: THÀNH HUY

Theo đề xuất của ngành Nông nghiệp BR-VT cũng như một số ý kiến của các sở ngành, Gò Găng (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) được xem là địa điểm thuận lợi để xây dựng Trung tâm nghề cá gắn với khu chế biến hải sản tập trung của tỉnh. Xét về vị trí địa lý và các yếu tố khác, tôi cho rằng, Gò Găng có nhiều điểm thuận lợi, phù hợp xây dựng Trung tâm nghề cá. Tuy nhiên, cũng có nhiều vấn đề đặt ra, cần được xem xét một cách khoa học, cụ thể như sau:

Vị trí cảng. Quy hoạch Trung tâm nghề cá và khu chế biến hải sản tập trung yêu cầu phải có cảng. Nhưng ở Gò Găng, không phải chỗ nào cũng có thể xây dựng được cảng, nhất là khu vực tiếp giáp sông Dinh. Muốn xây dựng cảng, phải dựa vào độ sâu tự nhiên của lòng sông, do đó vị trí xây dựng cảng cần được khảo sát, đánh giá kỹ. Cũng cần lưu ý rằng, nếu xây dựng cảng dựa vào việc cải tạo, nạo vét lòng sông, thì khu vực nạo vét cũng sẽ là khu vực bị bồi lấp rất nhanh.

Nước thải. Gò Găng có ba con sông và vịnh biển bao bọc, hệ thống dòng chảy trong sông, rạch và các bãi ngập triều cũng như trong vịnh Gành Rái và biển BR-VT là dòng bán nhật triều. Trong một ngày đêm, dòng chảy đổi chiều 4 lần. Ở các bãi ngập triều dòng chảy thuận nghịch. Tốc độ bình thường chỉ đạt 0,2-0,3m/s. Hơn nữa, Gò Găng nằm trong vùng nước khá kín. Do đó, khi hình thành Khu chế biến hải sản tập trung (từ 10 cơ sở chế biến trở lên) thì chất thải từ các cơ sở chế biến sẽ dễ tích luỹ, tồn lưu, lắng đọng xuống lớp bùn cát. Lâu dài sẽ huỷ hoại môi trường (điều này đã xảy ra ở khu chế biến Tân Hải, huyện Tân Thành).

Mặc dù chất thải, nước thải có thể xử lý nhưng thường sẽ khó đạt yêu cầu (do kỹ thuật và do ý thức của doanh nghiệp). Nếu chỉ có vài doanh nghiệp và lượng nước thải không lớn thì môi trường có thể tự khắc phục. Nhưng nếu quy hoạch tập trung có hàng chục cơ sở chế biến, tôi e rằng nước sông, biển sẽ bị ô nhiễm, rất khó để khắc phục...

Về khí thải. Hướng gió chủ đạo ở BR-VT là Đông Bắc vào mùa khô và Tây Nam vào mùa mưa. 2 hướng gió này nếu chỉ căn cứ trên bản đồ thì khí thải từ khu vực chế biến hải sản ở Gò Găng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến Vũng Tàu hay Bà Rịa. Nhưng Gò Găng gần các dãy núi như Núi Lớn, núi Nhỏ, dãy núi Long Sơn, núi Dinh. Các dãy núi này thường làm đổi hướng gió chủ đạo, thậm chí còn tạo thành gió quẩn, gió xoáy... khá phức tạp. Nếu đặt khu chế biến hải sản ở Gò Găng, các luồng gió này sẽ mang theo mùi hôi tanh của hải sản đưa tới trung tâm TP.Vũng Tàu, TP.Bà Rịa... Xử lý cách gì cũng khó tránh khỏi mùi xú uế gây ô nhiễm môi trường.

Ảnh hưởng đầu tư và du lịch. Hai chục năm qua, chúng ta đã phải vất vả di dời các cơ sở chế biến hải sản gây ô nhiễm khỏi TP.Vũng Tàu. Quy hoạch đảo Gò Găng mới được phê duyệt năm 2013 đã có ý tưởng là biến Gò Găng trở thành trung tâm đô thị, khu du lịch sinh thái gắn với rừng ngập mặn, các khu công nghiệp sạch, khu công nghệ cao và trung tâm nghiên cứu khoa học biển... Gò găng được quy hoạch là khu đô thị và những khu chức năng như nói trên là hợp lý, phù hợp xu thế CNH-HĐH, hướng tới nền kinh tế tri thức. Do đó, việc xây dựng khu chế biến hải sản tập trung ở Gò Găng có thể sẽ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư toàn bộ khu vực. Không chỉ Gò Găng mà cả TP.Vũng Tàu và TP.Bà Rịa, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.

ĐỀ XUẤT VÀ KIẾN NGHỊ

Với những phân tích trên, tôi xin đề xuất và kiến nghị các cấp lãnh đạo của tỉnh một số ý sau:

- Nếu xây dựng Trung tâm nghề cá của tỉnh ở Gò Găng cần phải loại bỏ triệt để những cơ sở, loại hình chế biến gây ô nhiễm và tốn nước; loại bỏ dần các nhà máy làm bột cá gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng, khó có thể khắc phục được.

- Nếu không xây dựng Trung tâm nghề cá của tỉnh ở Gò Găng thì có thể tính đến phương án xây dựng Trung tâm nghề cá ở khu vực Lộc An, phía trong và trên cửa sông Ray. Đây là khu vực gần nguồn nước, xa dân cư, có cảng... Hoặc cũng có thể chia nhỏ, không tập trung với mật độ cao các cơ sở chế biến hải sản để tránh quá tải cho môi trường.

- Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nâng cấp, đầu tư mới thiết bị, công nghệ hiện đại trong chế biến hải sản để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Sớm loại bỏ các hình thức khai thác hải sản tận thu, nhiều cá tạp, huỷ hoại môi trường vì loại cá tạp thường chỉ được chế biến làm bột cá, gây ô nhiễm không khí rất nặng.

TS. TRƯƠNG THÀNH CÔNG

.
.
.