.

Tham gia BHXH là đầu tư cho tương lai

Cập nhật: 16:37, 19/05/2025 (GMT+7)

Tính đến cuối tháng 4/2025, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có hơn 239 ngàn người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), chiếm 42,27% lực lượng lao động trong độ tuổi. Con số này cho thấy nhận thức của người dân về chính sách BHXH đã có chuyển biến tích cực, song vẫn còn khoảng trống không nhỏ cần lấp đầy.

Trong bối cảnh cuộc sống vẫn còn tiềm ẩn không ít rủi ro và tuổi nghỉ hưu kéo theo nhiều mối lo về sức khỏe, thu nhập, thì BHXH không chỉ là một chính sách an sinh của Nhà nước mà còn là điểm tựa vững chắc để mỗi người lao động tự bảo vệ tương lai của chính mình.

Tham gia BHXH là cách hiệu quả nhất để người lao động tự tạo cho mình một tấm lưới an toàn trong tương lai. Với mức đóng linh hoạt, người tham gia BHXH tự nguyện vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi như chế độ hưu trí, tử tuất; đồng thời có thể chuyển sang BHXH bắt buộc khi đủ điều kiện. Điều quan trọng hơn cả, đó là quyền được nhận lương hưu định kỳ hàng tháng. Đây là một khoản thu nhập ổn định khi hết tuổi lao động, không phụ thuộc con cháu, không phải đối mặt với cảnh “về già không lương, không bảo hiểm”.

Hiện nay, tuổi thọ trung bình của người Việt ngày càng tăng, thì sự bảo đảm về kinh tế khi tuổi cao sức yếu lại càng trở nên cấp thiết. Chỉ cần mỗi tháng dành một khoản tiết kiệm nhỏ từ 300.000 đồng trở lên thì người dân đã có thể tích lũy cho mình một tương lai an toàn, ít lo toan.

Điều đáng tiếc là vẫn còn không ít người lao động chưa quan tâm đúng mức đến việc tham gia BHXH. Một bộ phận lớn lao động tự do, nông dân, tiểu thương vẫn cho rằng đó là việc “của Nhà nước”, hoặc trì hoãn vì nghĩ mình còn trẻ, chưa cần thiết. Thế nhưng thực tế đã chỉ ra, khi không may gặp rủi ro, ốm đau, tai nạn, tuổi cao không còn sức lao động thì việc không tham gia BHXH đồng nghĩa với việc không có chế độ hỗ trợ, không có nguồn thu nhập thay thế, gánh nặng dồn lên chính gia đình.

Không có BHXH, người lao động rơi vào tình trạng “tự lo”, dễ bị tổn thương khi mất việc hoặc sức khỏe giảm sút. Thiếu BHYT, mỗi lần vào viện là thêm một lần lo lắng về chi phí. Thiếu chế độ hưu trí, tuổi già trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Nhiều người cao tuổi không có lương hưu phải sống phụ thuộc con cháu, hoặc làm việc đến kiệt sức. Đó là những hệ lụy âm thầm, nhất là trong một xã hội đang dần già hóa như hiện nay.

Việc tỷ lệ người tham gia BHXH ở Bà Rịa - Vũng Tàu hiện mới đạt hơn 42% cho thấy, vẫn còn khoảng trống lớn trong công tác truyền thông, vận động và nhận thức của người dân về BHXH. Vì thế, ngành BHXH tỉnh đang chủ động tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, như Lễ ra quân truyền thông “Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân”, trong đó nhấn mạnh thông điệp “BHXH là quyền lợi, là trách nhiệm và là lựa chọn thông minh của người lao động”.

Điều đáng mừng là các hoạt động truyền thông hiện nay không còn khô cứng, một chiều, mà tập trung tương tác trực tiếp với người dân, giải đáp cụ thể những thắc mắc, đồng thời đưa ra các mô hình tham gia BHXH hộ gia đình, BHYT theo nhóm hộ dân cư… nhằm giảm gánh nặng chi phí và mở rộng đối tượng tiếp cận.

Chính sách BHXH hiện nay ngày càng linh hoạt, có thể đóng theo tháng, quý, hoặc cả năm. Người dân có thể tạm dừng đóng và tiếp tục khi có điều kiện mà không bị mất quyền lợi. Vì vậy, không có lý do gì để trì hoãn việc tham gia một chính sách mang lại lợi ích lâu dài như vậy.

Tăng tỷ lệ tham gia BHXH chính là tăng năng lực tự chủ cho từng người lao động, tăng độ an toàn cho xã hội và giảm gánh nặng cho ngân sách trong tương lai. Mỗi người dân khi chủ động tham gia BHXH là đã góp phần xây dựng một hệ thống an sinh bền vững, một cộng đồng nhân văn - nơi không ai bị bỏ lại phía sau.

TRIỆU VỸ

.
.
.