Tiện lợi nhưng đừng chủ quan
Số hóa và tự động hóa ngày càng phổ biến, giúp đơn giản hóa nhiều thao tác trong đời sống, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính. Thiết bị như loa báo tiền là một bước tiến tiện lợi cho người bán hàng. Chỉ cần kết nối mạng và đồng bộ với ví điện tử hay tài khoản ngân hàng, chiếc loa nhỏ này sẽ phát ra âm thanh khi có giao dịch đến.
Nhờ vậy, người bán không cần dừng tay kiểm tra điện thoại, việc buôn bán trở nên thuận tiện hơn. Chị Thủy, bán rau, củ, quả trong hẻm đường Lê Lợi (TP.Vũng Tàu) kể, từ khi gắn loa thông báo, công việc của chị đỡ vất vả thấy rõ. Mỗi lần khách chuyển khoản, chị chỉ cần nghe số tiền là biết có nhận được hay chưa, không phải lo mở điện thoại, tra xem tin nhắn ngân hàng. Trong khu chị buôn bán, đã có cả chục tiểu thương lắp thiết bị này.
Thế nhưng, sự tiện lợi đôi khi lại sinh ra tâm lý chủ quan. Và đây chính là điểm yếu dễ bị lợi dụng nhất. Có một lần, chị Hoa, chủ tiệm tạp hóa gần nhà tôi, bán cho khách tổng cộng 690 ngàn đồng. Khách chuyển khoản xong, loa phát lên con số 69 ngàn đồng. Đang bận soạn hàng, chị chỉ nghe lướt rồi cho qua luôn. Đến khi kiểm tra lại mới biết mình bị chuyển thiếu. Lúc đó thì không thể đòi lại được vì khách đã đi từ lâu. Tình huống này không hiếm. Nhiều người bán hàng vì tin tưởng tuyệt đối vào loa thông báo nên quên mất việc kiểm tra lại điện thoại hoặc yêu cầu khách cho xem màn hình giao dịch. Đa phần chỉ phát hiện ra sai sót khi đã muộn.
Điểm đáng chú ý là thiết bị loa báo tiền hiện nay chủ yếu là của bên thứ ba phát triển, không phải do các ngân hàng cung cấp chính thức. Người dùng phải cài thêm ứng dụng ngoài, đồng thời cấp quyền truy cập vào tài khoản hoặc ví điện tử để hệ thống nhận diện giao dịch. Điều này tiềm ẩn rủi ro lớn nếu phần mềm không đảm bảo an toàn, hoặc nếu người dùng không hiểu rõ quyền mình đang cấp đi những gì.
Trên thực tế, môi trường số đã và đang là “mảnh đất màu mỡ” cho đủ kiểu lừa đảo công nghệ cao. Cách đây không lâu, từng có trường hợp kẻ gian in mã QR giả rồi dán chồng lên mã thật ở cửa hàng. Khách chuyển tiền, nhưng tiền lại rơi vào túi kẻ lừa đảo. Cũng vì vậy mà các ngân hàng lớn bắt đầu vào cuộc, phát triển những tính năng tương tự nhưng tích hợp sẵn trong ứng dụng chính thức. Chẳng hạn như BIDV có dịch vụ Smart Voice, cho phép phát thông báo ra loa điện thoại. Không cần mua thêm thiết bị, chỉ cần kết nối bluetooth là có thể nghe thông báo giao dịch.
Dù vậy, công nghệ có hiện đại đến đâu, nếu người dùng không hiểu rõ cách sử dụng và không cảnh giác thì vẫn dễ gặp rủi ro. Người bán quá tin vào thiết bị, mà quên mất rằng đó chỉ là công cụ hỗ trợ. Trong kinh doanh, nhất là với tiền bạc, không thể giao hết trách nhiệm cho máy móc. Công nghệ chỉ giúp tiết kiệm thời gian và công sức, còn kiểm soát vẫn là việc của con người.
Việc giao dịch, thanh toán điện tử sẽ còn phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Nhưng chính vì vậy mà tội phạm công nghệ sẽ nhiều hơn. Các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi hơn, không phải ai cũng đủ tỉnh táo để phân biệt. Do đó, bên cạnh việc đón nhận cái mới, mỗi người cần trang bị thêm kiến thức về công nghệ, hiểu rõ thiết bị mình đang dùng, và luôn giữ thói quen kiểm tra kỹ khi giao dịch.
Công nghệ là cánh tay đắc lực, nhưng không thể thay thế được sự tỉnh táo và chủ động của người sử dụng. Trong chuyện tiền bạc, đừng bao giờ “khoán trắng” cho máy móc.
HÀ AN