.

Ngành học bán dẫn - cơ hội vàng, thách thức lớn

Cập nhật: 14:46, 16/05/2025 (GMT+7)

Từ năm học 2025-2026, ngành bán dẫn sẽ chính thức được đưa vào chương trình đào tạo chính quy tại nhiều trường đại học hàng đầu Việt Nam. Đến thời điểm này, đã có ít nhất 9 trường đại học thông báo mở ngành học này, với chỉ tiêu tuyển sinh dao động từ vài chục đến vài trăm sinh viên mỗi trường.

Việc đưa ngành bán dẫn vào đào tạo chính quy là bước đi đúng đắn, phù hợp với xu thế chung của thế giới và chiến lược quốc gia về công nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, ngành bán dẫn là lĩnh vực công nghệ cao, đòi hỏi đầu tư rất lớn vào trang thiết bị, phòng thí nghiệm hiện đại và đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên sâu. Nếu không đảm bảo được những điều kiện này, các chương trình đào tạo có nguy cơ rơi vào tình trạng “dạy chay”, thiên về lý thuyết, xa rời thực tiễn; từ đó ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực đầu ra.

Bên cạnh đó, việc ồ ạt mở ngành, đào tạo không dựa trên khảo sát nhu cầu thị trường, sẽ khiến sinh viên tốt nghiệp rơi vào cảnh “ra trường thất nghiệp” dù học ngành đang được coi là “hot”.

Để tránh những “cái bẫy” này, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ba bên: nhà trường, doanh nghiệp và Nhà nước. Trước tiên, các trường đại học cần đầu tư mạnh cho hạ tầng đào tạo, cả về phòng thực nghiệm, thiết bị thực hành lẫn nhân lực giảng dạy. Đồng thời, xây dựng chương trình học theo hướng mở, linh hoạt, cập nhật thường xuyên với công nghệ thế giới, kết hợp hài hòa giữa lý thuyết và thực tiễn.

Một số cơ sở giáo dục đã bắt đầu có những bước đi cụ thể và bài bản. Chẳng hạn, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) mở ngành Công nghệ bán dẫn với chỉ tiêu 140 sinh viên, có lộ trình liên thông sau ĐH tại các trường danh tiếng ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Mỹ. Trường ĐH Công nghệ (thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng tuyển sinh khoảng 600 chỉ tiêu cho hai ngành học mới liên quan đến vi mạch bán dẫn. Trường hợp tác với các tập đoàn như Viettel, VNPT, Samsung, LG, Panasonic, Toshiba để tạo điều kiện thực tập và việc làm cho sinh viên.

Cùng với đó, các trường cũng cần phát huy vai trò của doanh nghiệp trong việc “đồng hành” quá trình đào tạo, từ xây dựng chương trình học, hỗ trợ thiết bị, tiếp nhận sinh viên thực tập, đến tham gia đánh giá và tuyển dụng trực tiếp. Sự kết nối này không chỉ giúp sinh viên được cọ xát thực tế, mà còn giúp nhà trường “dạy đúng cái doanh nghiệp cần”.

Một yếu tố quan trọng khác chính là đội ngũ giảng viên. Nhà nước cần có chính sách thu hút chuyên gia giỏi trong và ngoài nước tham gia giảng dạy, đồng thời tạo điều kiện để giảng viên trong nước có cơ hội nghiên cứu, thực tập tại các trung tâm công nghệ bán dẫn lớn trên thế giới.

Việc xác định rõ chiến lược đào tạo chuyên sâu, không đào tạo đại trà cũng là điều hết sức cần thiết. Các trường cần tính toán kỹ lưỡng chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên khảo sát nhu cầu thực tế từ thị trường lao động, tránh chạy theo phong trào.

Có như vậy, chúng ta mới có thể vừa bắt kịp xu thế đào tạo ngành công nghệ lõi, vừa tránh được hệ quả của “bong bóng nhân lực”, điều mà nhiều ngành khác đã và đang phải trả giá.

MINH THIÊN

.
.
.