.

Mở bung cửa cho kinh tế tư nhân phát triển

Cập nhật: 16:50, 06/05/2025 (GMT+7)

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (sau đây gọi là Nghị quyết 68).

Lần đầu tiên "kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân". Với mục tiêu nâng số lượng DN lên 2 triệu vào năm 2030, gấp đôi hiện nay và khu vực này đóng góp tới 58% GDP, chiếm 40% thu ngân sách nhà nước, có ít nhất 20 DN tư nhân lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, có lẽ chưa bao giờ, vai trò, vị thế của khu vực kinh tế tư nhân được khẳng định mạnh mẽ như trong Nghị quyết số 68-NQ/TW.

Nghị quyết 68 nêu 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp, mở bung cánh cửa để kinh tế tư nhân rộng đường phát triển. Đó là toàn hệ thống chính trị nhất quán tư duy, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân. Nhà nước kiến tạo, hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển, không can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất, kinh doanh trái với nguyên tắc thị trường. Đặc biệt là đẩy mạnh cải cách, nâng chất lượng thể chế; tư duy xây dựng và thực thi pháp luật đổi mới theo cơ chế thị trường, giảm thiểu và xoá bỏ rào cản hành chính, cơ chế "xin - cho", tư duy không quản được thì cấm. Người dân, DN được tự do kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm. Quy trình, thủ tục hành chính theo hướng minh bạch hóa, số hóa, tự động hóa, áp dụng triệt để trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn. Cơ quan quản lý đặt mục tiêu cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh ngay trong năm 2025

Cùng với cải cách hành chính, Nghị quyết 68 còn đề ra giải pháp về chính sách cụ thể hỗ trợ DN trong việc tiếp cận đất đai, vốn, có cơ chế hỗ trợ riêng biệt, từ miễn thuế, cho đến cung cấp nền tảng số miễn phí và tư vấn pháp lý.

Đón nhận Nghị quyết 68 với tâm trạng phấn khởi, nhiều DN cho rằng đã có một sự đổi mới rất lớn tư duy về kinh tế tư nhân, đồng thời kỳ vọng, tới đây với hàng loạt giải pháp từ cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, số hóa toàn bộ quy trình, đến bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng và thực thi hợp đồng..., sẽ là bước đột phá làm thay đổi căn bản môi trường đầu tư, kinh doanh, giúp DN mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh, hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu.

Hiện khu vực kinh tế tư nhân đang có gần 1 triệu DN, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách Nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm. Tuy nhiên, trên thực tế phần lớn số DN trên có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, với tiềm lực tài chính và trình độ quản trị còn hạn chế. Năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo thấp, dẫn đến năng suất lao động, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh chưa cao. Chính vì vậy, Nghị quyết 68 sẽ là động lực thúc đẩy cho các DN, cá nhân, hộ kinh doanh hăng say sản xuất kinh doanh, mọi thành phần kinh tế đều tích cực đầu tư phát triển kinh tế. Ở đó, không chỉ là đạt con số 2 triệu DN vào năm 2030, mà chính các DN và hộ kinh doanh cũng phải nỗ lực, nắm bắt cơ hội, tạo ra sự cộng hưởng từ chính sách, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển vượt bậc.

NGÔ GIA

.
.
.