.

Sau thông tư mới về dạy thêm học thêm

Cập nhật: 18:05, 17/01/2025 (GMT+7)

Những ngày qua, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT, có hiệu lực từ ngày 14/2/2025, đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Thông tư này có hai điểm mới đáng chú ý: không cho phép các trường tổ chức dạy thêm, học thêm có thu phí trong nhà trường, đồng thời nghiêm cấm giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường có thu phí đối với học sinh của mình. Những thay đổi này nhằm đảm bảo tính công bằng trong giáo dục, ngăn chặn tình trạng ép buộc học sinh học thêm.

Sau khi Thông tư được triển khai, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt thông báo ngưng tổ chức dạy thêm, học thêm có thu phí trong nhà trường, bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán. Một số trường còn quyết định kết thúc ngay trong tuần tới.

Tuy nhiên, việc các trường nghỉ buổi chiều khiến phụ huynh lo lắng các em sẽ đi đâu và làm gì những buổi chiều trong tuần mà không có sự giám sát của cha mẹ hoặc thầy cô giáo. Điều này đặt ra yêu cầu và thách thức mới về việc đảm bảo an toàn và phát triển các hoạt động hỗ trợ cho học sinh để thay thế việc học thêm trước đây.

Bên cạnh đó, quy định cấm giáo viên dạy thêm ngoài trường đối với học sinh của mình để ngăn chặn việc đối xử thiếu công bằng, lợi dụng vị thế để ép học sinh đi học thêm. Tuy vậy, quy định này khiến nhiều người băn khoăn về cách thức giám sát chặt chẽ để đảm bảo giáo viên tuân thủ, tránh tình trạng vi phạm “ngầm”.

Trước bối cảnh mới, các trường cần đổi mới cách tổ chức dạy và học. Phát triển các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ học tập miễn phí vào buổi chiều là một trong những giải pháp khả thi. Đồng thời, khuyến khích học sinh phát triển kỹ năng tự học, tự nghiên cứu thông qua các dự án học tập và các hoạt động nhóm sẽ giúp các em trở nên tự chủ hơn trong việc học tập. Phụ huynh nhờ đó cũng yên tâm hơn, không phải lo lắng việc các con bị “buông lỏng” vì “không đi học thêm”.

Phương án nghỉ ngày thứ Bảy, tổ chức học chính khóa thành 2 buổi/ngày đang được áp dụng thí điểm tại một số trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh, cũng là một cách làm hay để tổ chức hiệu quả việc dạy học trong bối cảnh các nhà trường không còn tổ chức dạy thêm học thêm thu phí vào buổi chiều.

Về quy định cấm giáo viên dạy thêm ngoài trường đối với học sinh của mình, để quản lý tốt việc này, ngành GD-ĐT cần thiết lập một hệ thống giám sát toàn diện. Trong đó, nâng cao vai trò của các cơ quan chức năng quản lý địa phương và các tổ chức xã hội trong việc phối hợp với nhà trường giám sát, phát hiện các trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm sai quy định tại thông tư.

Bên cạnh cơ chế giám sát hành chính nhà nước, cần kết hợp cả cơ chế giám sát cộng đồng để đảm bảo tính liêm chính trong quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.

Một giải pháp quan trọng khác là tăng cường xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm. Các trường học, giáo viên hoặc tổ chức vi phạm quy định cần phải chịu các hình thức xử phạt nghiêm khắc như cảnh cáo, phạt tiền hoặc các biện pháp kỷ luật khác. Đồng thời, việc công khai các trường hợp vi phạm và các hình phạt đã áp dụng sẽ tạo ra tính minh bạch, răn đe và nâng cao ý thức tuân thủ quy định.

Bên cạnh các biện pháp quản lý, việc đảm bảo thu nhập và phúc lợi cho giáo viên cũng cần được chú trọng. Khi giáo viên an tâm với công việc giảng dạy chính khóa, họ sẽ không phải tìm kiếm nguồn thu nhập từ dạy thêm, giúp giảm áp lực “chân trong, chân ngoài”.

Ngoài ra, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ huynh và học sinh về lợi ích của quy định mới cũng rất quan trọng. Thông qua các buổi thuyết trình, hội thảo và tài liệu hướng dẫn, phụ huynh và học sinh sẽ hiểu rõ hơn về mục tiêu của Thông tư và những lợi ích lâu dài cho môi trường giáo dục.

NGUYỄN THI

.
.
.