Bảo vệ sinh kế của ngư dân
“Chúng ta cần tăng cường các công cụ quản lý nghề cá trên biển bằng quy hoạch, mùa đánh bắt, phương pháp đánh bắt ở từng vùng ngư trường...”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nhấn mạnh như vậy khi kết luận cuộc họp lần thứ 12 của Ban Chỉ đạo với các bộ, ngành và 28 địa phương ven biển ngày 14/1 vừa qua.
Ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng khẳng định việc đánh bắt có trách nhiệm không ngoài mục đích bảo vệ sinh kế của ngư dân cũng như phát triển bền vững ngành thủy sản. Bởi lẽ, một trong những nguyên nhân của tình trạng suy giảm nguồn lợi thủy sản là do mất cân đối giữa khai thác và khả năng phục hồi của nguồn lợi. Dù tài nguyên hải sản xa bờ của nước ta rất phong phú, nhưng tình trạng khai thác vượt ngưỡng cho phép, không theo quy định trong thời gian qua đã để lại hệ lụy khá nghiêm trọng. Ngành thủy sản nói chung và nghề khai thác hải sản đang đứng trước thách thức rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu, quy mô nghề cá nhỏ, manh mún, lạc hậu. Nguồn lợi thủy sản hiện nay suy giảm khoảng 20% so với 20 năm trước do hoạt động khai thác vượt ngưỡng…
Không chỉ là sự quyết liệt ở Trung ương mà ngư dân cũng hiểu được đây là sự sống còn, không phải là IUU nữa mà là nghề cá bền vững.
Chính vì vậy, khai thác thủy sản có trách nhiệm, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong đó tuân thủ pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế được xem là yêu cầu bắt buộc. Cùng với 28 địa phương ven biển trên cả nước, Bà Rịa-Vũng Tàu với mục tiêu giải quyết dứt điểm các hạn chế, tồn tại trong công tác phòng, chống khai thác IUU đã triển khai có hiệu quả, nghiêm chỉ đạo của Trung ương, quản lý chặt đội tàu, xử lý nghiêm các vi phạm và tăng cường công tác tuyên truyền đến bà con ngư dân, hướng tới phát triển nghề cá theo hướng bền vững.
Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã số hóa việc quản lý đội tàu cá từ phần mềm giám sát hành trình tàu cá, truy xuất nguồn gốc (eCDT), xử lý vi phạm của Trung ương đến phần mềm quản lý tàu cá riêng của tỉnh mà các cơ quan chức năng đang triển khai. Với việc số hóa quản lý này, hoạt động của tàu cá đều hiển thị rõ ràng trên phần mềm từ tình trạng tàu cá đang nằm bờ hay hoạt động trên biển, đánh bắt loại hải sản nào, sản lượng bao nhiêu, có bật kết nối giám sát hành trình, đánh bắt đúng vùng khai thác không… Từ đó, kịp thời có biện pháp xử lý, ngăn chặn các trường hợp tàu cá vi phạm IUU.
Theo quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh xác định 2 khu vực cấm khai thác thủy sản ở vùng ven biển gồm ven biển xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) với diện tích gần 8.500ha, cấm khai thác trong tháng 10 hàng năm; khu vực ven biển Vũng Tàu - Tiền Giang có diện tích 184.300ha, tùy từng vị trí mà có 3 mốc cấm khai thác từ tháng 1-4, tháng 7-8 và tháng 11 hàng năm. Đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu nghề, phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với du lịch sinh thái, giảm tàu khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; đẩy mạnh triển khai mô hình bảo tồn biển gắn với du lịch khám phá, trải nghiệm.
Đây cũng là cách mà Bà Rịa-Vũng Tàu đang bảo vệ sinh kế bền vững của ngư dân.
NGÔ GIA