Thông tuyến bệnh hiểm nghèo
Ngay trong ngày đầu năm mới 2025, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 01/TT-BYT và có hiệu lực thi hành từ 1/12025, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT, trong đó có quy định một số bệnh không cần giấy chuyển tuyến.
Trước đó, ngày 27/11/2025, Quốc hội bấm nút thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT. Một trong những điểm mới của Luật là quy định mức hưởng BHYT khi thực hiện thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo hướng không phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh, giữ ổn định tỷ lệ mức hưởng BHYT theo quy định của Luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp.
Đây là quy định đặc biệt có ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, để người bệnh được tiếp cận và điều trị kịp thời một số bệnh cần chuyên môn sâu mà cơ sở y tế cấp cơ bản, cấp ban đầu chưa đủ điều kiện triển khai.
Như vậy, Thông tư 01/TT-BYT là văn bản quan trọng hướng dẫn việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho hơn 13 ngàn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước, tạo hành lang pháp lý đồng bộ để triển khai hiệu quả chính sách BHYT trong giai đoạn mới. Điều này cũng đáp ứng mong mỏi của bệnh nhân đang hưởng chế độ BHYT. Theo đó, Thông tư ban hành danh mục một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được 100% mức hưởng theo phạm vi, quyền lợi người bệnh được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu, không phải có phiếu chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong đó bao gồm danh mục 62 bệnh, nhóm bệnh được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu. So với danh mục cũ, danh mục mới tăng 20 loại bệnh.
Cùng với đó là danh mục 167 bệnh, nhóm bệnh được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cơ bản; danh mục 141 bệnh, nhóm bệnh được chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn 1 năm kể từ ngày ký phiếu chuyển thay cho việc giấy chuyển hết giá trị sử dụng khi kết thúc năm dương lịch… Sau 1 năm, giá trị của giấy chuyển viện hết hạn, sức khoẻ của người bệnh đã được điều trị ổn định thì người bệnh có thể quay về cơ sở y tế ban đầu để được tư vấn, quản lý, theo dõi bệnh.
Nếu mẹ tôi còn sống, hẳn bà sẽ hết sức vui mừng bởi thông tin trên. Đã có không ít câu chuyện buồn, đã trở thành nỗi ám ảnh trong quá trình điều trị bệnh ở tuyến trên, khi thực hiện thủ tục chuyển viện. Tôi cũng đã chứng kiến không ít bệnh nhân mắc ung thư, quê từ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên thuê trọ tại Sài Gòn để chữa bệnh. Khi giấy chuyển tuyến hết hạn phải lặn lội về quê làm giấy chuyển tuyến, trong đó có nhiều người lớn tuổi, neo đơn. Thậm chí, nhiều bệnh nhân lỡ mất cơ hội vàng trong giai đoạn điều trị bệnh bởi phải thực hiện thủ tục này.
Chính vì vậy, việc sớm có quy định cụ thể và chặt chẽ đã góp phần giảm thủ tục chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, giảm chi phí di chuyển, vận chuyển người bệnh, đồng thời cũng nhằm mục đích sử dụng quỹ BHYT hiệu quả. Không chỉ đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật cũng như công tác an sinh xã hội mà còn là đáp ứng quyền, lợi ích của người dân khi tham gia BHYT.
LAM GIANG