Bộ GD-ĐT vừa ban hành thông tư về quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Quy chế này có nhiều điểm mới, ảnh hưởng đến công tác dạy học và hướng nghiệp tại các trường THPT và THCS. Đáng chú ý, tỷ lệ điểm học bạ được tăng lên 50% trong điểm xét tốt nghiệp, thay vì chỉ tính 30% hay 40% như trước đây, đồng thời tính cả điểm trung bình năm lớp 10 và lớp 11.
Quy định mới giúp học sinh bớt áp lực ở kỳ thi tốt nghiệp, khuyến khích học sinh học tập đều đặn, chú trọng học tập ngay từ đầu cấp. Với học sinh có học lực trung bình, nếu cố gắng trong suốt 3 năm THPT thì cơ hội tốt nghiệp sẽ khá cao. Những học sinh có lực học khá, giỏi cũng yên tâm hơn, từ đó tập trung vào môn thi phục vụ cho định hướng nghề nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn lo ngại về nguy cơ “nở rộ” điểm học bạ, đặc biệt là điểm năm lớp 12. Hiện tượng này đã từng xảy ra trong giai đoạn 2015 - 2019, khi điểm học bạ chiếm 50% trong số điểm xét tốt nghiệp, gây ra những tranh cãi về tính minh bạch và công bằng trong đánh giá học sinh.
Việc nâng điểm học bạ lớp 12 xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Một mặt, giáo viên chịu áp lực về thành tích lớp và trường, mong muốn giúp học sinh đạt kết quả cao để thuận lợi trong kỳ thi và xét tuyển đại học. Mặt khác, phụ huynh muốn con mình có học bạ “đẹp”, dễ dàng trúng tuyển vào các trường “top” đầu, từ đó có sự “can thiệp” để giáo viên “nới” điểm. Nếu tình trạng này kéo dài, giá trị thực chất của kết quả học tập sẽ bị bóp méo, học sinh được nâng điểm có thể ảo tưởng về năng lực của bản thân. Hậu quả lâu dài là giảm chất lượng nguồn nhân lực, ảnh hưởng đến quá trình đào tạo bậc đại học và nền giáo dục nói chung.
Để hạn chế tình trạng này cần đẩy mạnh các biện pháp mang tính hệ thống. Trước hết, quy trình chấm bài và nhập điểm phải được kiểm soát chặt chẽ và minh bạch, thông qua việc sử dụng phần mềm quản lý điểm trực tuyến có ghi lại nhật ký chỉnh sửa. Khi muốn thay đổi điểm số, giáo viên hoặc nhân viên nhập điểm cần có lý do, minh chứng rõ ràng và được ban giám hiệu xét duyệt.
Song song đó, việc tổ chức kiểm tra và đánh giá cần dựa trên nhiều hình thức như kiểm tra thường xuyên, giữa kỳ, cuối kỳ, đánh giá dự án, thuyết trình… nhằm phản ánh chân thực hơn năng lực và quá trình cố gắng của mỗi học sinh.
Bên cạnh đó, nhà trường nên thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng giáo viên về cách xây dựng đề thi, quy trình chấm bài, cũng như nâng cao trách nhiệm trong việc đánh giá học sinh. Mỗi giáo viên cần ý thức rõ ràng rằng việc “nới” điểm hoặc “ưu ái” học sinh nào đó không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà còn làm tổn hại uy tín của nhà trường, đồng thời tác động tiêu cực tới sự phát triển của học sinh sau này. Xây dựng văn hóa trung thực trong nhà trường, khuyến khích giáo viên tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí đánh giá và tôn trọng sự khác biệt về năng lực học sinh, chính là chìa khóa để ngăn chặn tình trạng “nâng điểm”.
Vai trò của phụ huynh cũng không kém phần quan trọng để dẹp bỏ tình trạng nâng điểm học bạ. Phụ huynh cần hiểu rõ ý nghĩa của việc đánh giá trung thực và không nên tìm cách “can thiệp” điểm số cho con em mình. Đồng thời, học sinh cũng cần nhận thức rằng điểm số phản ánh đúng năng lực sẽ giúp các em tự nhận diện bản thân và đặt ra mục tiêu học tập phù hợp hơn.
ANH ĐÀO