Nghỉ hưu được vài năm, sẵn có đất ruộng, rẫy diện tích khá lớn ở ngay vườn nhà, ông Tuấn đã thử nghiệm làm nông trại theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn để có thực phẩm sạch, an toàn đủ dùng cho gia đình.
Ông Tuấn đào ao thả cá và nuôi gà, vịt quanh bờ ao sau khi đã bao chắn bằng hệ thống lưới mắt cáo. Một phần đất khá trũng khác, ông canh tác lúa-tôm để vừa bảo đảm sinh thái, vừa tận dụng mặt nước ruộng trong từng vụ lúa. Theo ông Tuấn, lúa-tôm cũng là cách để ông chuyển đổi tư duy cũ, hạn chế tối đa sử dụng hóa chất trong canh tác nông nghiệp.
Với chu trình khép kín, chất thải trong chăn nuôi được dùng làm nguồn thức ăn, phân bón cho tôm, cá và lúa. Ông Tuấn còn diệt trừ sâu bệnh bằng các chế phẩm sinh học do ông mày mò nghiên cứu và áp dụng. Sau vài vụ, mô hình canh tác của ông Tuấn cho năng suất tương đối ổn định do ông vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Và điều quan trọng nhất là ông đã loại trừ được dư lượng hóa chất và có được những thực phẩm an toàn cho bữa cơm của gia đình. Ông Tuấn dự định tiến tới mở rộng quy mô, áp dụng khoa học để tận dụng tối đa nguồn thải từ nông trại, trong đó sử dụng năng lượng sinh học từ hầm khí biogas, chế phẩm phân bón hữu cơ và từng bước đưa các sản phẩm của mình ra thị trường.
Ông Tuấn biết đến nông nghiệp tuần hoàn từ nhiều năm trước, khi tình cờ đi mua sắm ở siêu thị và loại gạo hữu cơ lúa-tôm với giá cao gần như gấp đôi so với gạo thông thường đã để lại ấn tượng mạnh đối với ông. Từ đó, ông nung nấu ý tưởng nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo chu trình khép kín, tuần hoàn, ngay trên ruộng, rẫy của gia đình khi có điều kiện.
Trên thực tế, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp không phải là khái niệm mới, đã được ứng dụng ở nhiều vùng miền trong cả nước, nhưng chưa mang tính đại trà để phát huy hết tiềm năng, lợi ích của mô hình này. Mới đây nhất, ngày 19/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 540/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030. Đề án được coi là một trong những biện pháp tích cực hỗ trợ các địa phương xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, hướng đến gia tăng chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả, bảo vệ môi trường, tạo thu nhập cao cho nông dân.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn cũng đã từng bước được thúc đẩy triển khai trong thời gian qua nhờ ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao trong sản xuất ở các trang trại, nông trại. Qua đó, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững theo xu hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp của tỉnh.
Theo Sở KH-CN, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số mô hình nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi sử dụng phụ phẩm sản xuất theo quy trình nông nghiệp tuần hoàn và mang lại hiệu quả cao như: mô hình vườn - ao - chuồng; mô hình trồng lúa - nấm; mô hình trồng lúa - nấm - sản xuất phân hữu cơ - trồng cây ăn quả; mô hình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải nông nghiệp; mô hình sản xuất ủ phân bò - trùn quế - trồng cây; trồng ngô - gia súc...
Tuy nhiên, để có đột phá mạnh mẽ hơn nữa, rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ngành chức năng trong việc triển khai Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh một cách đồng bộ. Song song đó, rất cần sự lan tỏa các mô hình nông nghiệp tuần hoàn trong cộng đồng dân cư để mỗi nông dân đều có ý thức, kiến thức trong ứng dụng khoa học, công nghệ, chủ động tham gia sản xuất, nuôi trồng khép kín, an toàn và giảm thải ra môi trường.
Kinh tế nông nghiệp tuần hoàn là xu hướng của tương lai gần, không chỉ giúp giảm chi phí, mang lại giá trị cao cho nông dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường ngày càng xanh hơn!
TIỂU CƯỜNG