Định vị thương hiệu OCOP trong giỏ quà Tết

Thứ Sáu, 17/01/2025, 18:03 [GMT+7]
In bài này
.

Thay vì những mặt hàng xa xỉ như bánh kẹo ngoại nhập, giỏ quà Tết năm nay được bạn tôi mang tặng người thân, đối tác là sản vật của Bà Rịa-Vũng Tàu được công nhận 3 sao, 4 sao OCOP như hạt điều, tiêu sọ, mật ong, đông trùng hạ thảo, hải sản khô… Giỏ quà được gói ghém sang trọng, mẫu mã bắt mắt, trang nhã. “Khi nhận quà đối tác rất thích, đặc biệt là người nước ngoài. Họ khá ngạc nhiên khi biết Bà Rịa-Vũng Tàu có nhiều nông sản ngon, bổ dưỡng và hỏi sao không xuất khẩu sang nước họ?”, bạn tôi kể và cho biết, sẽ tính đến việc hợp tác với các đơn vị để có thể đưa một số sản phẩm OCOP vươn ra thế giới.

Câu chuyện của bạn tôi kể trên cũng là xu hướng chọn quà Tết của nhiều người tiêu dùng. Qua khảo sát cho thấy, sắm Tết năm nay được nhiều người tiêu dùng lựa chọn là sự tiện lợi, thiết thực và tiết kiết kiệm. Nắm bắt được xu hướng này, các cơ sở sản xuất, HTX cũng nhanh chóng đưa ra thị trường các giỏ quà Tết sản vật địa phương, giá bán từ 200-500 ngàn đồng/giỏ. Một số giỏ quà OCOP còn mang đậm hương vị Tết truyền thống. Theo một số siêu thị, cửa hàng, với chất lượng tốt, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, giỏ quà Tết OCOP đang có sức cạnh tranh mạnh mẽ và chiếm ưu thế trên thị trường.

Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có hơn 150 sản phẩm của 82 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đều chú trọng sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn ISO, VietGAP, đạt chứng nhận HACCP, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đến nay, nhiều sản phẩm có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, có tem, nhãn mác.

Đây cũng là minh chứng cho thấy, sản phẩm OCOP Bà Rịa-Vũng Tàu đang từng bước khẳng định thương hiệu, giá trị và chất lượng trên thị trường. Người tiêu dùng cũng dần tin tưởng và lựa chọn nhiều hơn sản phẩm OCOP địa phương, không chỉ là ủng hộ hàng Việt mà vì chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm được đảm bảo. Điều này cũng chứng minh sức lan tỏa từ chương trình sau nhiều năm triển khai rộng rãi, OCOP đã thực sự trở thành một chứng nhận chất lượng cho nhiều sản phẩm của DN, chủ thể và HTX. Chương trình cũng đã làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân, của chủ thể về tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đồng thời xác định rõ vai trò của liên kết sản xuất và phát huy trí tuệ địa phương để tạo ra sản phẩm phong phú, đảm bảo chất lượng. Qua đó giúp định vị thương hiệu những mặt hàng thế mạnh để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm mỗi địa phương.

Đặc biệt, các chủ thể OCOP đã và đang chú trọng phát triển cả hình thức lẫn chất lượng sản phẩm Tết theo thị hiếu người tiêu dùng. Rõ ràng, với sự nhanh nhạy trong tư duy sản xuất hàng hóa thì việc đưa sản phẩm OCOP vào giỏ quà Tết không chỉ mở rộng thị trường mà còn góp phần xây dựng và nâng tầm thương hiệu cho nông sản. Đây chính là một hướng đi hiệu quả để thương mại hóa, gia tăng giá trị kinh tế và khẳng định vị thế sản phẩm OCOP trên thị trường.

LAM GIANG

 

 

;
.