Con đường sống còn

Thứ Ba, 14/01/2025, 17:32 [GMT+7]
In bài này
.

Gần 1 triệu đại biểu tiêu biểu của cả nước vừa tham dự một sự kiện vô cùng quan trọng: Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức; nghiên cứu, quán triệt và triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TƯ (ngày 22-12-2024) của Bộ Chính trị.

Phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, có thể nói, là con đường duy nhất, ngắn nhất, nhanh nhất và nhiều cơ hội nhất để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, vươn mình sánh vai với các cường quốc. Khoa học, công nghệ và chuyển đổi số là nền tảng phát triển chủ yếu dựa vào trí lực. Con đường mở ra cơ hội ngang nhau, phù hợp với một đất nước xuất phát điểm thấp về kinh tế, nhưng lại là quốc gia có thể sánh ngang với mọi quốc gia khác về năng lực trí tuệ và khát vọng.

Nói về sự công bằng trong cuộc đua khoa học, công nghệ, không chỉ trên thế giới, Việt Nam dư thừa những dữ liệu để minh chứng triết lý: nếu chọn hướng đi khôn ngoan, quyết tâm cao, người đến sau cũng có thể giành lợi thế.

Vào những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ 20, nhiều người hẳn còn nhớ như in sự “khủng khiếp” về giá cả sử dụng điện thoại di động. Năm 1993, sóng di động lúc đó mới chỉ phủ ở bốn đô thị là: Vũng Tàu, Biên Hòa, TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Giá cước dành cho thuê bao di động trả sau thời điểm đó là 8.000 đồng một phút (tương đương 0,75 USD), phí thuê bao hàng tháng là 20 USD… Nói chung, mỗi tháng dùng điện thoại, dù không gọi nhiều cũng mất cả chỉ vàng.

Năm 2.000, Viettel bước vào thị trường viễn thông giữa lúc MobiFone và VinaPhone đang thống lĩnh thị trường. Với tiêu chí "di động cho mọi nhà", Viettel đã nhanh chóng kéo giá điện thoại di động về mức mọi người có thể dùng được bằng cách không ngừng tiếp cận và chuyển đổi các nền tảng công nghệ, dựa trên hạ tầng được đầu tư đồng bộ và phủ sóng rộng khắp.

Với sự xâm nhập thị trường của Viettel, số người dùng di động của Việt Nam trong 3 năm, tăng từ 5% lên 95% (giai đoạn 2004 - 2007). Giá cước di động về đến mức có thể gọi điện “hát cho nhau nghe” mà cũng không “xót ruột” … Không chỉ thành công với thị trường trong nước, Viettel từng bước vươn ra thị trường quốc tế, trở thành thương hiệu viễn thông mạnh thứ 2 thế giới trong năm 2024, theo bình chọn của Brand Finance…

Trở lại với nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Việt Nam hiện đang nắm giữ lợi thế vô cùng quan trọng, đó là hạ tầng lõi trong kỷ nguyên số - internet. Sau 28 năm kết nối internet toàn cầu (1997), đến đầu năm 2024, nước ta có 78,44 triệu người sử dụng internet tương đương 79,1% dân số, là một trong số 20 quốc gia có lượng người dùng internet nhiều nhất.

Tuy nhiên, nhìn chung về thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu phục vụ phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số vẫn luôn là những thách thức lớn, đòi hỏi sự đầu tư nhiều hơn trong tương lai. Và Nghị quyết số 57-NQ/TƯ đã đề cập rất rõ đến nội dung này trong đó nêu lên các nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng: Đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, tạo xung lực mới, khí thế mới về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; hoàn thiện thể chế; xoá bỏ rào cản đang cản trở sự phát triển; tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao; tăng cường hợp tác quốc tế...

Nghị quyết số 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã vạch ra một con đường để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình. “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là lựa chọn, mà là con đường sống còn”, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định.

HOÀNG NAM

;
.