Cuối tuần qua, hai bé nhà tôi bất ngờ chọn điểm vui chơi là Bảo tàng tỉnh và Bạch Dinh, thay vì đến các khu giải trí như trước đây. Điều này khiến tôi nhận ra một sự thay đổi thú vị. Các bảo tàng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang ngày càng thu hút đông đảo khách tham quan, đặc biệt là các bạn thanh thiếu niên.
Không còn cảnh vắng vẻ như trước, những cái tên như Bảo tàng tỉnh, Bạch Dinh, hay Bảo tàng Vũ khí cổ đã trở thành điểm đến phổ biến vào dịp cuối tuần. Điều gì khiến các con và nhiều bạn trẻ khác cảm thấy hứng thú hơn với bảo tàng? Lý do chính là trong khoảng hai năm trở lại đây, các bảo tàng đã có sự đổi mới rõ nét cả về nội dung và cách thức hoạt động.
Các hoạt động học thực tế tại bảo tàng, vốn là một phần trong chương trình giáo dục, đã mang đến trải nghiệm đầy thú vị cho các học sinh. Tại đây, các em không chỉ được nhìn tận mắt, nghe tận tai mà còn có cơ hội chạm vào những phần của quá khứ. Những trải nghiệm này biến kiến thức vốn khô khan trong sách vở trở nên sinh động và dễ hiểu hơn.
Ngoài ra, bảo tàng còn là nơi tổ chức các hoạt động ngoại khóa hấp dẫn như các buổi nói chuyện chuyên đề, hội thảo, hay chương trình trải nghiệm thực tế. Những hoạt động này không chỉ cung cấp kiến thức mà còn khơi dậy niềm yêu thích khám phá ở giới trẻ.
Bên cạnh đó, công nghệ đã trở thành một công cụ quan trọng để các bảo tàng làm mới trải nghiệm cho khách tham quan. Ví dụ, tại Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các máy tính đặt ở sảnh giúp khách tham quan khám phá các “báu vật” lịch sử một cách tổng quan và đa chiều. Các em có thể quan sát chi tiết từng hoa văn, hình dáng của hiện vật, đồng thời nghe các nhà sử học giới thiệu những câu chuyện thú vị xoay quanh các hiện vật trưng bày.
Những màn hình tương tác và công nghệ số giúp các hiện vật vốn tĩnh trở nên sống động, tạo cảm giác gần gũi và hấp dẫn hơn. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc thu hút giới trẻ, nhóm đối tượng ưa thích sự đổi mới và tính tương tác.
Mặc dù các bảo tàng đang có những bước chuyển mình đáng kể, song vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn với giới trẻ, đặc biệt trong thời đại mà nhu cầu trải nghiệm đa dạng và sáng tạo ngày càng tăng cao.
Để khắc phục những hạn chế này, các bảo tàng cần học hỏi từ những phương pháp sáng tạo đã được áp dụng thành công ở các quốc gia trên thế giới.
Chẳng hạn, Bảo tàng Anh (Anh Quốc) sử dụng công nghệ thực tế tăng cường (AR) để tái hiện các hiện vật lịch sử trong bối cảnh thực tế. Một chiếc bình Hy Lạp cổ đại có thể được hiển thị trong bữa tiệc của người Hy Lạp xưa, cùng các nhân vật sử dụng nó. Tương tự, Bảo tàng Louvre (Pháp) tổ chức các buổi “Đêm bảo tàng” với âm nhạc, ánh sáng và các hoạt động tương tác, thu hút đông đảo giới trẻ.
Không chỉ dừng lại ở việc thay đổi cách tiếp cận trực tiếp, các bảo tàng cần tận dụng sức mạnh của mạng xã hội như Instagram, TikTok để lan tỏa hình ảnh và thu hút giới trẻ, như cách làm của chiến dịch “Getty Challenge” tại Mỹ đã tạo hiệu ứng tích cực, khuyến khích người trẻ tái hiện các tác phẩm nghệ thuật bằng cách sáng tạo riêng của mình.
Việc ứng dụng công nghệ hiện đại, tổ chức các sự kiện tương tác và đẩy mạnh truyền thông số là những giải pháp hiệu quả để tăng sức hút cho các bảo tàng. Đồng thời, nội dung trưng bày cần được liên kết chặt chẽ hơn với chương trình học và đời sống văn hóa của người trẻ, giúp họ cảm nhận rõ hơn về giá trị lịch sử và văn hóa.
Đầu tư mạnh mẽ vào trải nghiệm sẽ giúp bảo tàng trở thành cầu nối giữa quá khứ và tương lai, thu hút không chỉ giới trẻ mà còn mọi tầng lớp trong xã hội. Khi được làm mới và cải tiến, bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ di sản mà còn là không gian truyền cảm hứng, khơi dậy niềm đam mê khám phá và học hỏi.
ANH ĐÀO