.

Từ hình phạt đến giáo dục

Cập nhật: 17:51, 19/09/2024 (GMT+7)

Tối hôm đó, ngay sau bữa ăn, con tôi - một học sinh lớp 8 - rón rén xin tiền để nộp phạt vì nói chuyện trong lớp. Sau khi tìm hiểu, tôi phát hiện đây là hình thức phạt mới mà cô giáo chủ nhiệm áp dụng: học sinh vi phạm sẽ phải đóng tiền, và số tiền đó được bỏ vào heo đất của lớp.

Một phụ huynh khác trong nhóm lớp tỏ ra không hài lòng: “Này là phạt ba mẹ chớ phạt gì con…”. Những lời này khiến tôi trăn trở về sự công bằng trong hình thức phạt bằng tiền. Con tôi chia sẻ rằng những bạn không có tiền tiêu vặt phải xin ba mẹ, trong khi các bạn có điều kiện thì tiền phạt không phải là vấn đề lớn. Có bạn còn đề nghị nộp một khoản lớn để “trừ dần” cho những lần vi phạm sau.

Câu chuyện này khiến tôi lo lắng. Phạt tiền không chỉ gây ra sự bất công giữa học sinh với điều kiện gia đình khác nhau mà còn tạo ra tư duy rằng tiền bạc có thể giải quyết sai phạm. Nếu tư tưởng này hình thành từ sớm, nó sẽ khó thay đổi khi các em trưởng thành. Không chỉ riêng hình thức phạt tiền, hiện nay nhiều giáo viên vẫn áp dụng các hình phạt chưa phù hợp với học sinh. Những biện pháp này không những không giúp trẻ tiến bộ mà còn có thể gây tổn thương tâm lý lâu dài.

Hình phạt là một công cụ giáo dục quan trọng, nhưng cần được áp dụng đúng cách. Bộ GD-ĐT cũng đã có những thay đổi tích cực trong việc xử lý kỷ luật học sinh. Cụ thể, từ tháng 11/2020, Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT đã loại bỏ hình thức “Phê bình trước lớp, trước trường”, thay vào đó là các biện pháp nhắc nhở, hỗ trợ và giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm. Những thay đổi này giúp học sinh cảm thấy gần gũi hơn với giáo viên và nhà trường, từ đó tạo điều kiện cho các em tiến bộ tự nhiên và lành mạnh.

Theo các chuyên gia giáo dục, mục tiêu của hình phạt phải là giáo dục, chứ không phải trừng phạt. Phạt học sinh không nên tạo ra cảm giác sợ hãi hay tổn thương tinh thần, mà cần giúp các em nhận ra lỗi lầm và tìm cách sửa chữa. Những hình phạt mang tính xây dựng, như yêu cầu học sinh làm việc nhóm, giúp đỡ bạn bè, hoặc tham gia các hoạt động cộng đồng, sẽ mang lại hiệu quả tích cực hơn so với việc bêu xấu hay phạt bằng cách nặng nề.

Nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến đã áp dụng các hình phạt theo hướng tích cực. Chẳng hạn, tại Phần Lan, khi học sinh mắc lỗi, nhà trường tổ chức hội đồng lớp để thảo luận và tìm giải pháp. Học sinh vi phạm có cơ hội trình bày quan điểm và cùng lớp tìm cách cải thiện hành vi. Thay vì viết bản kiểm điểm, các em có thể tham gia hoạt động tình nguyện như dọn dẹp công viên hoặc giúp đỡ người già, từ đó nhận thức được trách nhiệm của mình với cộng đồng.

Tại Singapore, học sinh vi phạm có thể được yêu cầu tham gia các lớp học bổ trợ để nâng cao kiến thức và kỹ năng. Các chương trình này thường bao gồm thảo luận nhóm, giải quyết vấn đề, giúp học sinh hiểu rõ hậu quả của hành vi sai trái và tìm cách sửa chữa.

Việc phạt học sinh cũng cần phải minh bạch và công bằng. Giáo viên nên thông báo rõ ràng các quy định và hình thức xử lý ngay từ đầu để học sinh có thể tự điều chỉnh hành vi. Nếu hình phạt không rõ ràng hoặc quá khắt khe, học sinh có thể cảm thấy bất mãn và dẫn đến phản ứng tiêu cực.

Sau khi phạt, giáo viên và nhà trường cần hỗ trợ học sinh sửa chữa hành vi. Lắng nghe và trò chuyện để hiểu rõ nguyên nhân vi phạm sẽ giúp tìm ra giải pháp lâu dài và hiệu quả hơn. Sự quan tâm và đồng cảm từ phía giáo viên sẽ khiến học sinh cảm thấy được hỗ trợ, thay vì bị cô lập.

Điều quan trọng nhất là luôn tôn trọng nhân phẩm của học sinh, dù các em có vi phạm lỗi lầm gì. Hình phạt nên tập trung vào hành vi sai, không phải cá nhân. Việc bêu xấu hay sỉ nhục học sinh trước đám đông chỉ gây tổn thương tinh thần và có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực lâu dài, như sự tự ti hoặc chống đối xã hội.

NGUYỄN THI

 
.
.
.