Làng mới trên đồi sim
Bão Yagi đi qua, để lại ngổn ngang hậu quả đối với đồng bào miền Bắc. Tính đến 17h00 ngày 16/9, bão và hậu quả mưa lũ do bão đã làm 329 người chết, mất tích (291 người chết, 38 người mất tích). Nhiều địa bàn ở miền Bắc bị chia cắt, cô lập do sạt lở, đời sống người dân vô cùng khó khăn. Cơm ăn, áo mặc, nước uống đều thiếu thốn, nhất là đối với các gia đình mất hết tài sản, nhà cửa.
Thiệt hại về tài sản do bão Yagi và hậu quả mưa lũ lên tới 1,6 tỷ USD, tương đương 40 ngàn tỷ đồng. Mức thiệt hại này bằng tổng mức thiệt hại do thiên tai trong cả năm 2020 và nhiều hơn tổng thiệt hại do thiên tai trong 3 năm gần nhất (2021 thiệt hại 5.800 tỷ đồng, năm 2022 khoảng 19.400 tỷ đồng, năm 2023 khoảng 8.600). Với mức thiệt hại khủng khiếp nói trên, GDP năm 2024 của cả nước có thể giảm đến 0,16%.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sau những ngày lội bùn đến những địa phương bị thiệt hại nặng nề, đến Làng Nủ nơi bị chôn vùi hoàn toàn sau trận lũ ống, đã bật khóc thốt lên “xót xa” trên sóng truyền hình, khi đề cập đến hậu quả đáng sợ do bão Yagi để lại.
Khắc phục hậu quả do mưa bão, dưới sự kêu gọi của Chính phủ, của UBMTTQ Việt Nam, Nhân dân cả nước đã đồng lòng hướng về miền Bắc. Từ những đứa trẻ chưa biết nhiều về cuộc sống, đến những cụ già 90 tuổi, ai cũng muốn được chung tay, giúp đỡ đồng bào ruột thịt.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, chỉ trong một ngày phát động, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã quyên góp được 51 tỷ đồng ủng hộ các tỉnh miền Bắc. Đến nay, mỗi ngày luôn có hàng trăm cá nhân, đơn vị tham gia quyên góp, ủng hộ…
Sự đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái là chỗ dựa bền vững cho dân tộc ta trong những thử thách, cam go. Đó là dòng chảy chính, là huyết mạch của một dân tộc từ trong quá khứ đến hiện tại đã trải qua vô vàn những thời khắc khắc nghiệt, đau thương bởi chiến tranh, thiên tai, địch họa...
Mưa lũ đã ngớt. Miền Bắc và những tỉnh thiệt hại nặng nề do bão Yagi bắt tay khẩn trương tái thiết, từng bước ổn định cuộc sống Nhân dân.
Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) đã được chọn địa điểm và bắt đầu xây dựng lại. Làng mới nằm trên đồi sim, cách làng cũ 2km, là vùng địa hình cao, an toàn, thuận lợi bố trí hạ tầng giao thông, điện nước... Mọi công việc sẽ được tiến hành khẩn trương nhất để hoàn thành trước ngày 31/12/2024.
Cầu Phong Châu (Phú Thọ) cũng đã được Chính phủ yêu cầu triển khai ngay việc nghiên cứu, khảo sát, hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng xây dựng mới, bảo đảm kiên cố, an toàn trong mọi điều kiện mưa lũ. Chính phủ đã chỉ đạo, yêu cầu rà soát trên tất cả các lĩnh vực để bảo đảm hỗ trợ tối đa cho người dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh khôi phục trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ.
Trước yêu cầu của Chính phủ, hệ thống ngân hàng đã tích cực vào cuộc, thống kê các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng và thực hiện áp dụng chính sách tín dụng linh hoạt, giảm lãi suất, hỗ trợ khoanh nợ, giãn nợ.
Trong lúc này, với tinh thần "ai có của giúp của, ai có công giúp công, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều, tất cả vì Nhân dân, vì đất nước”, cả nước đang hướng về miền Bắc ruột thịt, chung tay tái thiết với một niềm tin mạnh mẽ, một điểm tựa vững chắc. Điểm tựa Việt Nam!
THU THẢO