Cuối tuần, tôi có lịch hẹn họp phụ huynh với giáo viên chủ nhiệm của con gái, đang là học sinh một trường THPT. Buổi họp chỉ có tôi và thầy giáo, ấn định trong vòng 15 phút. Con gái tôi không phải là học sinh cá biệt, hoặc mới vi phạm lỗi nghiêm trọng hay có vấn đề đến mức thầy giáo buộc phải mời phụ huynh đến làm việc. Đó chỉ đơn thuần là cuộc họp phụ huynh đầu năm theo thông lệ của nhà trường.
Trong suốt buổi họp phụ huynh, ngoài nội dung chung của nhà trường và những lưu ý đặc biệt cho học sinh cuối cấp, thầy giáo dành phần lớn thời gian để trao đổi về cá nhân con gái tôi. Thầy phân tích điểm mạnh, yếu và phương hướng mà thầy sẽ phối hợp cùng tôi để trong suốt năm học sẽ đồng hành cùng con đi tới đích với kết quả tốt nhất có thể.
Tôi bước ra khỏi phòng họp với trạng thái thoải mái, phấn khích, trong khi thầy giáo tiếp tục họp cùng phụ huynh khác. Cứ như thế, lần lượt, mỗi phụ huynh có buổi họp cùng thầy giáo chỉ để bàn chuyện của riêng con mình một cách cởi mở và sâu sát nhất.
Suốt buổi họp phụ huynh đầu năm học, vấn đề các khoản đóng góp cho quỹ lớp, quỹ hội phụ huynh... không hề được đề cập. Trên thực tế, ở lớp con tôi, chưa từng tồn tại hội phụ huynh và chưa từng phải đóng góp bất cứ khoản quỹ nào. Tất cả những khoản thu theo đúng quy định của Nhà nước được nộp tại bộ phận kế toán ở văn phòng nhà trường. Thầy giáo chủ nhiệm và các thầy cô bộ môn chỉ thực hiện nhiệm vụ của mình với tư cách là giáo viên, liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ mà thôi.
Có lẽ, tôi và những phụ huynh khác cùng lớp đều có cảm giác hạnh phúc, bởi con mình không chỉ được quan tâm một cách đặc biệt khi giáo viên chủ nhiệm hiểu rõ về "sở trường", "sở đoản" để từ đó có biện pháp giáo dục phù hợp nhất, tốt nhất cho con. Bên cạnh đó, những phụ huynh hạnh phúc này còn được cởi bỏ áp lực các khoản chi phí đóng góp dưới hình thức tự nguyện đầu năm học mà ở đâu đó, các cha mẹ học sinh khác vẫn phải cam chịu.
Có thể những khoản đóng góp, quỹ hội phụ huynh đầu năm được vận động không nhiều, nhưng dù chỉ là món tiền nhỏ vẫn sẽ là gánh nặng cho những gia đình đông con hoặc kinh tế khó khăn. Trong khi đó, chi phí sách vở, dụng cụ học tập, đồng phục... đã tốn một khoản kha khá, dù các cấp học từ mầm non đến THPT đã được miễn học phí từ Nghị quyết của HĐND tỉnh.
Mỗi dịp đầu năm học, có nhiều ý kiến cho rằng, rất nên giải tán hội phụ huynh. Bởi, nhiều người cho rằng, hội phụ huynh được “đẻ” ra chủ yếu để thu đủ các loại quỹ, do đó, cần tính chuyện dẹp bỏ. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều phụ huynh tâm huyết, chắt chiu thời gian để chăm lo, đồng hành với hoạt động của trường, lớp. Cơ bản là ở mỗi nhà trường, ban giám hiệu cần có chủ trương để hội phụ huynh hoạt động hiệu quả, đúng mục đích và tối giản, loại bỏ việc huy động các khoản đóng góp không cần thiết, đặc biệt là vào đầu năm học. Không nên tạo áp lực và tâm lý nặng nề cho những buổi họp phụ huynh.
Các bậc cha mẹ cũng rất nên trở thành những phụ huynh hạnh phúc, đồng hành cùng thầy cô giáo xây dựng những ngôi trường hạnh phúc thực sự để giáo dục, đào tạo những công dân tốt cho đất nước.
TIỂU CƯỜNG