Áp lực từ các khoản thu tự nguyện

Thứ Hai, 23/09/2024, 18:27 [GMT+7]
In bài này
.

Gần đây, các nhóm phụ huynh trở nên xôn xao về các khoản thu tự nguyện cho năm học 2024-2025. Một ví dụ điển hình là tại một lớp học, Ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐDCMHS) đã mua tivi, sơn tường và trang bị thêm một số thiết bị cho lớp. Tổng chi phí này được chia đều, mỗi phụ huynh phải đóng 800 ngàn đồng. Khi thông tin được công bố trong nhóm lớp, một số phụ huynh phản đối, cho rằng việc thu như vậy là không đúng quy định. Tuy nhiên, cũng có nhiều phụ huynh đồng tình, cho rằng điều này là hợp lý và cần thiết. Một số người khác dù gặp khó khăn tài chính cũng phải chấp nhận vì cảm thấy không có lựa chọn, họ cho rằng: “Tôi có 2 con cũng áp lực về kinh tế nhưng vì thời thế!”.

Tại một lớp học khác, khi phụ huynh bày tỏ ý kiến về việc đóng góp quỹ, trưởng nhóm BĐDCMHS đã loại họ ra khỏi nhóm và tuyên bố rằng nếu không đóng quỹ, con của họ sẽ không được tham gia vào một số hoạt động của lớp. Tình huống này khiến nhiều phụ huynh bất bình, đặc biệt là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Từ lâu, việc thu quỹ của BĐDCMHS đã là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Ban đầu, quỹ này được lập ra để hỗ trợ các hoạt động giáo dục và cải thiện điều kiện học tập cho học sinh. Tuy nhiên, đã có những trường hợp lạm dụng quỹ, gây áp lực tài chính lên các bậc phụ huynh.

Theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT, BĐDCMHS không được phép thu tiền phục vụ cho các hoạt động của giáo viên hoặc nhà trường, như sửa chữa lớp học hoặc mua sắm trang thiết bị. Việc thu và sử dụng quỹ phải được thảo luận và đồng thuận giữa các phụ huynh, tránh việc ép buộc hay tự ý áp đặt.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp vẫn có cách “lách luật” để yêu cầu phụ huynh đóng góp dưới danh nghĩa quỹ tự nguyện. Ví dụ, việc mua tivi và sơn tường ở câu chuyện nêu trên, ban đầu được giáo viên gợi ý trong buổi họp đầu năm, nhưng mức đóng góp sau đó không được đưa ra bàn bạc, mà chỉ được thông báo qua nhóm Zalo của BĐDCMHS sau khi một số phụ huynh đã ứng tiền ra để mua sắm.

Trước tình trạng lạm thu, lãnh đạo Sở GD-ĐT Bà Rịa-Vũng Tàu đã đưa ra chỉ đạo mạnh mẽ. Theo đó, phòng GD-ĐT của huyện, thị xã và thành phố phải thành lập tổ kiểm tra thu chi tại các trường mầm non, tiểu học và THCS, sau đó báo cáo lên sở. Đồng thời, sở cũng sẽ tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên tại một số trường, yêu cầu hoàn trả các khoản thu không đúng quy định.

Các trường nếu để xảy ra tình trạng lạm thu, lợi dụng BĐDCMHS để thu tiền, sẽ bị lập biên bản và yêu cầu hoàn trả tiền cho phụ huynh. Từ nay đến hết học kỳ 1, Sở GD-ĐT sẽ tăng cường công tác kiểm tra và xử lý triệt để tình trạng này ở mọi cấp học. Đặc biệt, ở bậc THPT, sở đã yêu cầu ngừng việc vận động xã hội hóa không đúng quy định.

Các biện pháp quyết liệt từ Sở GD-ĐT được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho phụ huynh trong năm học mới. Đồng thời, phụ huynh cũng cần chủ động yêu cầu sự minh bạch trong thu chi quỹ. Mọi khoản đóng góp cần được công khai rõ ràng để đảm bảo quyền lợi cho tất cả phụ huynh và tránh tình trạng lạm dụng.

NGUYỄN THI

 
;
.