Văn hóa thăm người bệnh

Thứ Sáu, 05/07/2024, 15:25 [GMT+7]
In bài này
.

Mẹ chồng tôi mắc bệnh u nang buồng trứng, khối u khá to nên phải phẫu thuật cắt bỏ. Mẹ tôi có 3 ngày nằm viện sau mổ để bác sĩ theo dõi quá trình hồi phục. Ngày đầu nằm viện, mẹ tôi còn rất yếu, thế nhưng bà phải gượng ngồi dậy để tiếp khách đến thăm bệnh. Hết họ hàng rồi đến bạn bè. Mẹ tôi chưa kịp ngả lưng nghỉ thì tốp khác lại tới thăm. Người thăm nhanh thì 10 - 15 phút, nhưng cũng có người ngồi tới hơn 1 tiếng huyên thuyên đủ thứ chuyện. Vì là phòng bệnh nằm chung nên khách ra vào thăm nom luôn tấp nập, ồn ào, trong khi bệnh nhân mới phẫu thuật cần không gian yên tĩnh để tĩnh dưỡng.

Từng là phóng viên phụ trách y tế, tôi vẫn chứng kiến cảnh người ta tíu tít kéo nhau vào viện thăm người ốm. Thăm nom lúc đau ốm thể hiện sự quan tâm lẫn nhau của người Việt và trở thành phép tắc không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Thế nhưng lắm lúc, sự thăm hỏi thái quá, không đúng lúc lại đem tới nhiều phiền toái cho người bệnh.

Do bệnh viện quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép chung phòng. Khi có nhiều người đến thăm cùng lúc, phòng bệnh không có đủ ghế để ngồi, người thân chăm nuôi bệnh nhân phải đứng để nhường chỗ cho khách, thậm chí mời khách ngồi trên phần giường của bệnh nhân.

Một nỗi khổ nữa là nhiều khách đến thăm hay bàn về bệnh tình và các phương thuốc với người bệnh hoặc thân nhân, dù họ không có chuyên môn về y tế. Nhiều người còn hướng dẫn, gợi ý các kinh nghiệm chữa trị, các bài thuốc dân gian, thậm chí mang cả thuốc tới biếu, tặng. Dù rằng họ có ý tốt, nhưng điều này lại khiến bệnh nhân mơ hồ, thiếu tin tưởng hơn với bác sĩ và cơ sở y tế đang trực tiếp điều trị cho mình.

Khác với nền y tế của các quốc gia phát triển có lượng điều dưỡng đủ lớn để đáp ứng nhu cầu chăm sóc của người bệnh, hệ thống bệnh viện ở Việt Nam vẫn ít nhiều phải trông cậy vào người nhà bệnh nhân trong các hoạt động trông nom, chăm sóc. Chúng ta thường thấy cảnh một người bệnh nằm viện là mấy người nhà đi theo để chăm. Nhìn các bệnh viện, đặc biệt là ở tuyến trên la liệt người nhà đi theo, vất vả và lộn xộn, điều này còn làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn chéo trong bệnh viện.

Do vậy, việc rủ nhau đến thăm người ốm vô tình tạo thêm gánh nặng và phiền toái cho bệnh viện, đặc biệt là trong tình trạng quá tải hiện nay. Người đang ốm, từ cảm cúm đến các bệnh truyền nhiễm khác, khi đến thăm bệnh nhân nằm viện, có thể trở thành tác nhân truyền bệnh cho bệnh nhân. Với những bệnh nhân đang phải chăm sóc đặc biệt, bệnh nhân sau phẫu thuật, ung thư, hay nhiều bệnh nặng khác, hệ miễn dịch cơ thể suy giảm nên rất dễ bị virus hay các bệnh truyền nhiễm tấn công.

Hơn nữa, trong môi trường bệnh viện, đặc biệt là các khu điều trị luôn chứa vi khuẩn truyền nhiễm. Vào viện thăm người ốm có thể là con đường ngắn nhất để lây lan bệnh truyền nhiễm ra cộng đồng.

Việc rủ nhau đến thăm nom người bệnh của người Việt là tập tục thể hiện sự quan tâm, lo lắng và mong muốn động viên, hỗ trợ người bệnh. Tuy nhiên, vì những lý do nói trên, mọi người nên tiết giảm việc thăm non không thật sự cần thiết và cần tuân thủ các nguyên tắc thăm bệnh như quy định về giờ thăm nuôi của bệnh viện và thời gian sinh hoạt người bệnh, quy tắc phòng chống nhiễm khuẩn (đeo khẩu trang, sát khuẩn)...

Ngoài ra, thay vì đến bệnh viện, hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể thăm hỏi nhau qua những tin nhắn, mạng xã hội...

NGUYỄN THI

;
.