Tưởng nhớ theo cách văn minh

Thứ Sáu, 12/07/2024, 16:52 [GMT+7]
In bài này
.

Phản hồi tới Báo Bà Rịa-Vũng Tàu sau các bài viết “Không đốt hàng mã để Côn Đảo thêm xanh, sạch, đẹp”; “Nghĩa trang Hàng Dương chuyển xanh”; “Du khách hưởng ứng tích cực Thứ bảy Giỏ lễ xanh”… rất nhiều bạn đọc bày tỏ quan điểm ủng hộ dâng cúng nhưng phản đối đốt hàng mã tại Côn Đảo. 

Đạo lý uống nước nhớ nguồn là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Hơn nữa với Côn Đảo, nơi hàng vạn người Việt yêu nước đã ngã xuống cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc hôm nay, thì việc tỏ lòng kính nhớ, ngưỡng vọng, tri ân càng là đạo hiếu, là bổn phận của hậu thế.

Thế nhưng, nét đẹp văn hóa này đã bị lạm dụng, biến tướng thành mê tín dị đoan. Với suy nghĩ “trần sao âm vậy”, nhiều người cho rằng, đốt càng nhiều vật chất có giá trị trên dương thế như tiền vàng, xe hơi, xe máy, nhà lầu, tủ lạnh, ti vi, điện thoại… để dâng cúng và hóa vàng mới là thành tâm và đảm bảo niềm tin rằng người đã khuất sẽ chiếu cố đến lời khấn cầu.  

Viếng nghĩa trang Hàng Dương chắc chắn nhiều người không ít lần mắt cay sè bởi khói hương mịt mù và khó chịu bởi mùi khét lẹt từ hoạt động hóa vàng. Trung tâm Bảo tồn Di tích Quốc gia Côn Đảo khảo sát trong năm 2023, ngày ít có khoảng 2.500 người, ngày cao điểm lượng người viếng nghĩa trang Hàng Dương đạt khoảng 6.000. Nhẩm tính, chỉ 50% số người này có dâng cúng vàng mã, thì sẽ tiêu tốn một lượng tiền không hề nhỏ. Chưa kể, lượng khói bụi thải ra môi trường gây ô nhiễm bầu không khí đe dọa mục tiêu xanh hóa của Côn Đảo luôn chực chờ. 

Nếu thực sự có “trần sao âm vậy”, thì chắc chắn người đã khuất không khỏi xót xa vì sự lãng phí, ô nhiễm môi trường do khí thải trong quá trình đốt vàng mã xả ra và cảnh chen chúc, bát nháo tranh giành từ việc đốt vàng mã.

Trở lại với chủ trương hạn chế, tiến tới dừng cúng, đốt hàng mã trong các điểm, khu di tích trên địa bàn, chính quyền huyện Côn Đảo tiến hành thận trọng, chặt chẽ, từng bước. Ngày 7/6/2023 kế hoạch số 170/KH-UBND được ban hành với lộ trình 3 giai đoạn, bắt đầu từ 10/6 đến 1/10/2023, từ tuyên truyền, vận động đến dừng dâng cúng, đốt hàng mã tại một số điểm di tích và cuối cùng là dừng dâng cúng, đốt hàng mã tại tất cả các điểm, khu di tích trên địa bàn huyện.

UBND huyện còn khảo sát, lấy ý kiến Nhân dân tại 9 khu dân cư nhằm đảm bảo đồng thuận thực hiện. Tổng số phiếu khảo sát phát ra 2.020 phiếu, thu về 1.925 phiếu, trong đó phiếu thống nhất chủ trương là 1.671 (tỷ lệ 86,81%), 70 phiếu có ý kiến lộ trình không phù hợp (tỷ lệ 3,64%), 184 phiếu không đồng tình (tỷ lệ 9,56%).

Năm 2024, huyện Côn Đảo tiếp tục chủ trương “Nói không với hoạt động cúng đốt hàng mã tại các điểm, khu di tích trên địa bàn” với kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 26/1 tập trung vào tuyên truyền, vận động. Huyện đặt mục tiêu phấn đấu hết năm 2024 giảm 90% lượng hàng mã tại các điểm, khu di tích.

Côn Đảo đang xây dựng điểm đến bền vững về môi trường, kiên quyết loại bỏ những biến tướng mê tín dị đoan, không hàng mã trong thờ cúng để góp phần giữ Côn Đảo mãi xanh, sạch, đẹp, bình yên, thơ mộng và những giá trị thiêng liêng tốt đẹp mà bao nhiêu thế hệ đã hy sinh xương máu để làm nên một Côn Đảo huyền thoại hôm nay. Không đốt hàng mã, giảm nhựa còn là hành động hiện thực hóa Đề án ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo.

Tháng 7, cả nước hướng về bàn thờ Tổ quốc Côn Đảo. Tháng 7, Trung ương và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng tổ chức long trọng chuỗi hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tại Côn Đảo. Trong không khí linh thiêng và tôn kính của tháng 7, đây là dịp để mỗi người chúng ta khi đến Côn Đảo cùng chung tay với Côn Đảo hiện thực hóa lời kêu gọi: tưởng nhớ, kính nhớ theo cách văn minh.

TRẦN HIỀN

;
.