Cảnh giác trước các cuộc gọi lừa đảo

Thứ Sáu, 05/07/2024, 17:36 [GMT+7]
In bài này
.

14 giờ 45 ngày 4/7, khi đang làm việc, chị N.T.M.P. nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 08321778…của đối tượng xưng là “cán bộ công an” yêu cầu kiểm tra lại thông tin định danh điện tử mức 2 của chị. Sau khi đọc tên, địa chỉ nhà, số CCCD, người này hỏi chị M.P. có chính xác hay chưa, nếu chưa đúng thì cung cấp lại cho cơ quan công an. “Thấy phát âm tên mình sai tôi nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo nên tắt máy”, chị M.P. nói.

Theo chị M.P., là công chức nhà nước lại thường xuyên cập nhật phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng qua phương tiện thông tin truyền thông nên chị luôn nâng cao tinh thần cảnh giác trước những tin nhắn, điện thoại lạ.

Tuy nhiên, không phải ai cũng tránh được trường hợp bị rơi vào bẫy của đối tượng xấu như chị M.P. kể trên. Thực tế thời gian gần đây trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng xảy ra nhiều trường hợp bị lừa đảo mất số tiền lớn khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi lạ.

Lợi dụng sự cả tin của người dân, thời gian qua, nhiều đối tượng xấu đã giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử qua ứng dụng VNeID giả mạo; hoặc yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân (họ tên, địa chỉ, CCCD, số thẻ tín dụng, mật khẩu hay thông tin tài khoản ngân hàng) cũng như làm theo hướng dẫn của đối tượng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Theo dự báo của cơ quan chức năng, thời gian tới, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố khó lường, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đặc biệt, tình trạng xuất hiện nhiều cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, giả mạo các cơ quan nhà nước, các tổ chức nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người dân.

Do đó, để phòng tránh lừa đảo, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác khi nhận các tin nhắn, cuộc gọi từ người lạ, người tự xưng là cán bộ công an, cán bộ của các cơ quan nhà nước để yêu cầu bổ sung, cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại; tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng, không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu VNeID, mã OTP, thông tin về thẻ căn cước công dân, thông tin về tài khoản ngân hàng… theo yêu cầu của các đối tượng. Trường hợp nhận được các tin nhắn và cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo cơ quan công an để ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.

Về phía cơ quan chức năng, ngoài việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản,  cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản về bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm đến người dân, công chức, viên chức, người lao động. 

Thường xuyên thông báo về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại, giúp người dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tích cực tố giác tội phạm.

Điều quan trọng nữa là sự phối hợp của các cơ quan liên quan trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong điều tra và xử lý tội phạm, nhằm bảo đảm an toàn thông tin, dữ liệu, tài khoản và quyền lợi hợp pháp của người dân.

TRIỆU VỸ

 

;
.