Kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua, tại nhiều điểm du lịch lớn trong cả nước, du khách lại than phiền về chuyện quá tải. Bởi họ phải chờ đợi quá lâu giữa tiết trời nóng bức, ám ảnh kẹt xe, không chỗ nghỉ ngơi, chen chúc nhau ở các điểm đến có tiếng. Tình trạng này cứ tái diễn mỗi khi đến mùa cao điểm du lịch, chưa biết bao giờ sẽ chấm dứt.
Quá tải du lịch đang là thách thức lớn đối với nhiều địa phương có thế mạnh về du lịch. Một số ý kiến cho rằng cần có biện pháp giảm tải bằng cách khống chế lượng khách đổ về địa điểm du lịch vào những đợt cao điểm. Nhiều quốc gia trên thế giới đã khá “mạnh tay” với việc này. Chẳng hạn, tại Pháp, chính quyền đang đặt ra nhiều hạn chế với các điểm đến. Các quan chức Paris chỉ cho phép 4.700 lượt khách tới thăm hòn đảo Brehat mỗi ngày trong những tháng mùa hè cao điểm. Vịnh Sugiton hiện chỉ cho phép 400 lượt khách đến thăm mỗi ngày vào tháng 7 và tháng 8 tới, giảm mạnh so với con số lên tới 2.500 lượt khách/ ngày trước đây. Còn tại Công viên Quốc gia Calanques gần Marseille cho biết họ sẽ tiếp tục sử dụng hệ thống đặt vé trực tuyến cho du khách đến thăm các vịnh nhỏ Sugiton nổi tiếng ở đó để kiểm soát lượng du khách. Chính quyền các địa phương nước này cho rằng, việc khách ồ ạt đến địa phương họ du lịch không mang lại nhiều lợi ích kinh tế, nhưng sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ du lịch, cũng như hệ sinh thái tự nhiên.
Tuy nhiên, trong bối cảnh du lịch Việt Nam hiện nay, nhiều chuyên gia nhận định hạn chế số lượng khách đến địa điểm du lịch là phương pháp chưa phù hợp. Du lịch ở nhiều địa phương như Hạ Long, Đà Lạt, Vũng Tàu, Sapa… chưa thể phục hồi hoàn toàn sau đại dịch COVID-19. Dù vậy, như các quốc gia khác, chúng ta cũng cần áp dụng các biện pháp để giãn lượng khách vào các tháng cao điểm; chẳng hạn như không quảng bá điểm đến trong mùa cao điểm hoặc giảm giá để khuyến khích những người gần đó đến vào mùa thấp điểm…
Một số quốc gia ở châu Âu đã thành lập một nhóm giám sát ngành du lịch để xác định các địa điểm có nguy cơ cao nhất và xây dựng các chiến lược để khuyến khích các chuyến thăm vào mùa thấp điểm. Chính phủ sẽ hợp tác chặt chẽ với các quan chức khu vực và các điểm du lịch để triển khai các biện pháp thông tin tới khách du lịch và người dân địa phương, đồng thời giúp quản lý lượng khách.
Một giải pháp được nêu ra là tranh thủ “những người có ảnh hưởng” trên phương tiện truyền thông xã hội để truyền bá thông tin về những rủi ro của việc du lịch quá mức và khuyến khích mọi người tìm kiếm nhiều địa điểm khác.
Trong khi đó, ngành du lịch Nhật Bản lại có sáng kiến áp dụng thuyết cú hích để ứng phó với tình trạng quá tải du lịch. Cú hích là những nhân tố làm thay đổi hành vi của con người mà không cấm đoán họ. Một loạt giải pháp như thay đổi giá vé phương tiện công cộng tùy theo thời điểm để khuyến khích du khách đi lại vào giờ thấp điểm, tăng cường quảng bá như những địa phương vắng khách du lịch để dàn đều du khách đến với Nhật Bản.
Từ kinh nghiệm của các nước, chúng ta cần có những chiến lược phát triển du lịch đồng bộ để dòng khách phân bổ tới đa dạng điểm đến và cả vào mùa thấp điểm. Và nhất là cần có dữ liệu du lịch một cách chính xác và đầy đủ để có thể xây dựng chiến lược phát triển du lịch và quản lý lượng du khách hiệu quả.
NGUYỄN THI