Chỉ khi con gái điều chỉnh nguyện vọng cuối cùng, đăng ký thi vào trường THPT công lập mà cháu mong muốn, chị Hồ Thị Mỹ Hạnh mới thở phào nhẹ nhõm. Hơn tháng nay, cả gia đình chị rất căng thẳng trong việc chọn trường cho con gái năm nay chuẩn bị thi vào lớp 10.
“Suốt 4 năm THCS cháu đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Mong ước của cháu là vào trường top 1 ở Vũng Tàu và luôn phấn đấu học tập để đạt nguyện vọng này. Nhưng khi trường tổ chức cho cháu đi tham quan các trường nghề, và cô giáo cũng định hướng nên chuyển nguyện vọng vào trường có điểm chuẩn đầu vào thấp hơn, con bé đã rất lo lắng, hoang mang”, chị Hạnh kể.
Câu chuyện của gia đình chị Hạnh cũng rất giống nhiều phụ huynh khác khi có con sắp bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Thậm chí, một số phụ huynh còn tỏ ra lo lắng và chịu áp lực căng thẳng hơn các con khi thấy tỷ lệ chọi cao, khó hơn cả kỳ thi đại học.
Mới đây, một lá đơn có tiêu đề "Đơn xin không tham gia tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025" đã gây sự chú ý khi đăng tải trên Diễn đàn học sinh TP.Hồ Chí Minh. Giáo viên đã in mẫu đơn này ra để phụ huynh, học sinh có nguyện vọng đăng ký không thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập, cho thấy sức nóng của kỳ thi này.
Với nhiều gia đình hiện nay, nếu con không thi đỗ vào trường công lập sẽ rất khó khăn. Học trường ngoài công lập thì chi phí cao, trong khi còn khá sớm cho các em nếu phải học nghề. Điều này đặt ra vấn đề định hướng và phân luồng cho học sinh lớp 9 để các em lựa chọn con đường phù hợp là hết sức quan trọng.
Trên thực tế, việc định hướng, phân luồng cho học sinh lớp 9 đã được nhiều trường THCS triển khai từ sớm. Theo Quyết định 522/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”, đến năm 2025 thực hiện phân luồng 30% học sinh đào tạo nghề. Tuy nhiên, trên thực tế việc làm này cũng đang bộc lộ nhiều bất cập. Một số giáo viên đã khuyên học sinh có thành tích học tập mức trung bình khá không nên thi vào lớp 10 mà chọn con đường học nghề. Điều này vô tình khiến nhiều phụ huynh, học sinh hoang mang, lo lắng. Nhất là hiện nay, một số trường chưa có lộ trình tư vấn hướng nghiệp bài bản, trong khi đó việc học nghề ở lứa tuổi 15 cũng chưa thực sự khiến phụ huynh yên tâm lựa chọn.
Chính vì vậy, việc phân luồng và hướng nghiệp THCS cần có sự đánh giá thực chất, tránh làm tổn thương cũng như gây tâm lý hoang mang cho học sinh, thậm chí làm mất đi quyền được học, được thi lên THPT.
Mục tiêu cơ bản nhất giáo dục phổ thông đó là tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi học sinh về quyền được bảo vệ, chăm sóc, quyền được học tập và phát triển theo khả năng của mình. Đặc biệt, giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời.
Bên cạnh đó là học sinh có quyền được lắng nghe, tôn trọng và được ra quyết định. Và phân luồng chỉ đạt hiệu quả thực sự khi phụ huynh và học sinh thấy rõ quyền lợi cũng như được tự nguyện lựa chọn của mình. Chắc chắn rằng, việc được định hướng nghề nghiệp tốt, phù hợp sẽ có ích cho chính các em và xã hội.
LAM GIANG