Hành chính 'trên mây'

Thứ Ba, 26/03/2024, 17:49 [GMT+7]
In bài này
.

Trước kia Dubai được mệnh danh trên thế giới là “thành phố trên mây” bởi vẻ đẹp huyền ảo của thành phố khi chìm sâu trong những đám sương mù ngỡ như mây bao phủ. Giờ đây, “thành phố trên mây” của Dubai để chỉ về một nền hành chính ở thành phố này đã được số hóa hoàn toàn, tất cả dữ liệu, thủ tục hành chính được lưu trữ trên điện toán đám mây.

Phát triển số hóa chính phủ không chỉ giúp Dubai tiết kiệm khoảng 350 triệu USD và 14 triệu giờ làm việc mỗi năm, mà số lần bình quân người dân đến các cơ quan hành chính tại Dubai hàng năm chỉ còn 9 lần. Qua đó, nâng cao năng suất lao động, nâng cao mức độ hạnh phúc, hài lòng của người dân.

Ở nền hành chính “trên mây”, không nhân viên hoặc cơ quan nào của chính phủ cần in bất kỳ biểu mẫu nào, ngoại trừ những người muốn làm như vậy như một lựa chọn trong các tình huống cần thiết.

Bên cạnh đó, với việc số hóa 100% hoạt động, người dân có thể trải nghiệm đặc biệt khi dùng các ứng dụng thông minh để tương tác với các công việc hành chính liên quan, hay để truy cập vào các dịch vụ thông minh. Ví dụ như việc nộp phạt giao thông hay phí dịch vụ trước đây của công an hiện cũng đã được số hoá, qua đó giúp người dân thực hiện nhanh chóng tối đa chỉ mất 5 phút thao tác. Các trung tâm hỗ trợ cũng như đồn cảnh sát được chuyển sang chế độ túc trực 24/7 nhằm giúp đỡ người dân...

Xây dựng nền hành chính “trên mây” là mục tiêu hướng tới ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Song, để làm được điều này đòi hỏi sự đầu tư đồng bộ cả về hạ tầng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu, dịch vụ công trực tuyến và an toàn, an ninh mạng, nhận thức và trình độ của cán bộ, công chức, người dân…

Việc số hóa hành chính nhà nước ở Việt Nam bắt đầu từ năm 2020. Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành Chiến lược về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.

Sau hơn 2 năm thực hiện, bước đầu chúng ta cũng đã có những thành tựu đáng ghi nhận. Các hoạt động số hóa thủ tục hành chính được đẩy mạnh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động điều hành, quản lý của nhà nước từ trung ương đến địa phương…

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu hiện đang tích cực triển khai rất nhiều hoạt động số hóa trong công tác quản lý hành chính nhà nước. Trong đó, nổi bật là hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 95,5%; đưa vào vận hành thử nghiệm Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh hỗ trợ cho công tác chỉ đạo điều hành, công khai, minh bạch thông tin quản lý nhà nước.

Dù vậy, theo đánh giá của Chính phủ, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ. Một trong những thách thức lớn nhất là nhận thức, trình độ sử dụng công nghệ thông tin của người dân, cán bộ, công chức chưa đồng đều. Mức độ đầu tư nền tảng công nghệ còn hạn chế. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, thách thức vẫn còn nhiều cả từ khách quan lẫn chủ quan, từ công nghệ, dữ liệu và cả sự thiếu chủ động vào cuộc của một số địa phương, bộ, ngành dẫn đến kết quả còn chưa được đồng bộ, thông suốt.

Do đó, để đạt được mục tiêu phấn đấu đến 2025, số hoá xong toàn bộ thủ tục hành chính, chúng ta đang còn rất nhiều việc phải làm, khó khăn cần sớm được giải quyết. Trong quá trình thực hiện, việc phải trải qua giai đoạn “nửa vời” như hiện nay là điều khó tránh khỏi. Quan trọng là chúng ta đang nỗ lực khắc phục và nâng cấp liên tục để dịch vụ ngày một thông minh, dễ sử dụng và thực sự đặt người dân làm trung tâm. Để một ngày không xa, nền hành chính “trên mây” ở ngay chính chúng ta.

NGUYỄN THI

 

;
.