.

Nghĩ từ câu chuyện liên kết sản xuất lúa

Cập nhật: 19:04, 06/12/2023 (GMT+7)

Nhiều năm trở lại đây, điểm đặc biệt khi nói đến cánh đồng lúa An Nhứt (huyện Long Điền) không chỉ là năng suất cao, sản xuất được lúa hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP, mà còn là câu chuyện liên kết với DN để bao tiêu sản phẩm. Mỗi vụ thu hoạch, không còn cảnh “được mùa mất giá”, hay “được giá mất mùa”. Nông dân cũng không phải lo lắng đầu ra, lợi nhuận tăng cao đáng kể.

Để có được điều này, nông dân ở An Nhứt đã tham gia chuỗi liên kết sản xuất theo đơn đặt hàng của DN, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí về chất lượng sản phẩm. Ngược lại, DN cũng cam kết bao tiêu bền vững, giá cao hơn mặt bằng chung thị trường.

Thông tin trên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu số ra gần đây cho biết, vụ Đông Xuân năm 2022-2023, Hội Nông dân huyện Long Điền và HTX Nông nghiệp - Dịch vụ An Nhứt đã ký kết với Công ty TNHH Phương Nam (TP.Hồ Chí Minh), triển khai mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với diện tích 10ha. Về kỹ thuật canh tác, nông dân được tư vấn cách làm bài bản hơn, bảo đảm sản xuất an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh tấn công. Ngoài cung ứng vật tư nông nghiệp, công ty còn cam kết thu mua 10 ngàn đồng/kg lúa tươi. Mức giá này cao hơn nhiều so với thị trường hiện nay, do đó nông dân thu lãi hơn 20 triệu đồng/ha lúa.

Cách làm của xã An Nhứt cho thấy, nếu có hướng đi đúng, chặt chẽ trong liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nông dân sẽ tự tin làm giàu trên mảnh đất của mình. Đồng thời, đóng góp vào việc nhanh chóng hoàn thành các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới mà tỉnh đang triển khai. Đây cũng là kết quả từ việc triển khai Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND về chính sách phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Đã có 9 mô hình, dự án liên kết được triển khai theo nghị quyết này.

Trong bối cảnh hiện nay, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là chìa khóa giúp phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững. Việc liên kết sản xuất cũng là yêu cầu bắt buộc để thoát khỏi tình trạng sản xuất mang tính manh mún, nhỏ lẻ. Và chỉ có liên kết mới giúp nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa, có thương hiệu, tên tuổi để vươn xa, nhất là tự tin cạnh tranh khi nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng. Hàng loạt các hiệp định thương mại đã được ký kết, đòi hỏi chất lượng sản phẩm đầu ra phải được kiểm soát nghiêm ngặt.

Bên cạnh đó, hiện nay người tiêu dùng cũng ngày càng trở nên thông thái hơn. Yếu tố an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến thành phẩm luôn được chú trọng hàng đầu. Do vậy, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là hướng đi đúng đắn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, để nông dân, HTX, DN… không bị đứt gãy chuỗi, thì vai trò hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước hết sức quan trọng. Trở lại câu chuyện liên kết trong sản xuất lúa ở xã An Nhứt cho thấy, ngoài vai trò của HTX Nông nghiệp - Dịch vụ An Nhứt, các DN, nông dân, thì sự kết nối, hỗ trợ, giám sát từ Hội Nông dân, Phòng Nông nghiệp huyện cũng đã góp phần tăng hiệu quả của mô hình. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc trong liên kết chuỗi, đặc biệt là làm tốt vai trò “trọng tài”, cũng như tạo ra các chính sách phát triển bền vững.

NGÔ GIA

 
.
.
.