Cạnh tranh khốc liệt từ thương mại điện tử
Gần sát ngày Black Friday - lễ mua sắm giảm giá lớn nhất trong năm, chúng tôi đến cửa hàng thời trang quen thuộc, “đặt cọc” tiền cho những “bộ cánh” yêu thích được giảm giá. Bởi lẽ, nếu không làm thế, khi ngày Black Friday diễn ra, chúng tôi không thể chen chân để mua được đồ giảm giá, có những thương hiệu giảm từ 50-70%. Thông thường, ngay từ sáng sớm, trước cửa hiệu đã có rất đông khách xếp hàng chờ mở cửa, chen chân để mua đồ giảm giá. Sau đó là chờ đợi, xếp hàng dài để thanh toán.
Nhưng đó là câu chuyện của vài năm về trước. Dạo quanh một vòng các thành phố như Vũng Tàu, Bà Rịa vào ngày Black Friday năm nay, dù hàng loạt cửa hiệu trưng biển giảm giá sâu từ 50%, nhưng không còn cảnh tấp nập khách mua như những năm trước. Thay vào đó là không khí mua sắm khá ảm đạm, im ắng. Những dãy phố trước đây là khu mua sắm sầm uất như đường Bacu, Nguyễn Văn Trỗi… với nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng cũng chỉ lẻ tẻ vài khách vào tham quan.
Trái ngược với hình ảnh trung tâm mua sắm, cửa hàng thời trang, thì ở một góc nhỏ sảnh chung cư, ngay từ sáng sớm đã tập trung 3-4 xe hàng của shiper thuộc hệ thống Shopee, Lazada, Tiki… Họ ngồi phân loại đơn hàng và gọi điện thoại để khách hàng xuống lấy, hoặc nhắn tin để góc sảnh, khi nào tiện thì cư dân chung cư xuống lấy hàng.
“Ngồi ở nhà mua cả thế giới” là câu nói vui của chị em chúng tôi, nhưng cũng cho thấy, sự bùng nổ của thương mại điện tử tạo điều kiện thuận lợi trong mua bán, giao dịch hàng hóa. Ngồi một chỗ cũng có thể săn hàng giảm giá quanh năm, mà không cần chờ đến ngày Black Friday. Và điều này cũng đang khiến cho hệ thống cửa hàng truyền thống “chết dần, chết mòn”. Hình ảnh hàng dãy dài ki ốt, sạp chợ chuyền thống đóng cửa, những cửa hàng treo biển sang nhượng ngày càng nhiều hơn, cho thấy sự “lép vế” giữa mua sắm truyền thống, trực tiếp với mua sắm trực tuyến.
Thông tin tại Diễn đàn quốc gia về thương mại điện tử và kinh tế số diễn ra ngày 21/11 vừa qua cho thấy, mua sắm trên sàn thương mại điện tử đã trở thành thói quen của người tiêu dùng Việt Nam. Báo cáo mới đây của Google, Temasek & Bain, có tới 57 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến trong năm 2022. Đáng chú ý, khoảng 43% người tiêu dùng thuộc thế hệ Gen Z (sinh vào khoảng thời gian từ năm 1997-2012) truy cập vào ứng dụng mua sắm online hàng ngày. Mỗi người mua trung bình 7 ngành hàng trên sàn thương mại điện tử trong giai đoạn 2021-2023.
Trên thực tế, thương mại điện tử đang mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn về sản phẩm, dịch vụ. Với khả năng giao hàng nhanh, được kiểm tra chất lượng, mẫu mã trước khi trả tiền, và có thể mua từ cái cúc, sợi chỉ, những đơn hàng chỉ vài ngàn đồng cũng được giao tận nơi, đây là sự thuận tiện mà thương mại điện tử mang tới cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng còn có thể tìm thấy giá thấp hàng ngày trực tuyến và thường sẽ so sánh giá trên các kênh và cửa hàng thương mại điện tử khác nhau để tìm ra lựa chọn mang lại giá trị tốt nhất.
Rõ ràng, chuỗi bán lẻ truyền thống đang đứng trước không ít thách thức khi thương mại điện tử bùng nổ trong thời gian qua. Để tồn tại và phát triển, chắc chắn phải thay đổi phù hợp với xu thế, thói quen mua sắm mới của người tiêu dùng.
NGÔ GIA