Sớm công bố thưởng Tết
Bộ LĐ-TBXH mới đây vừa có văn bản gửi các Sở LĐ-TBXH các địa phương trên cả nước báo cáo tình hình tiền lương, thưởng Tết và quan hệ lao động trong DN, yêu cầu này phải thực hiện trước 25/12. Việc báo cáo sớm nhằm giúp cơ quan quản lý nắm bắt kịp thời tình hình tiền lương, tiền thưởng Tết, đồng thời triển khai các giải pháp góp phần ổn định quan hệ lao động, nhất là trong dịp giáp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024.
Trước đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng yêu cầu công đoàn cơ sở đề xuất với DN xây dựng công khai phương án trả lương và thưởng Tết trước ngày nghỉ Tết Nguyên đán 20 ngày.
Dù vẫn còn hơn 2 tháng nữa mới đến Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024. Tuy nhiên như thông lệ, vào khoảng thời gian này, lương và thưởng Tết luôn là vấn đề được người lao động quan tâm nhất. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế trải qua một năm đầy khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều thời điểm bị gián đoạn, ngưng trệ, người lao động đã không khỏi lo lắng liệu các DN còn nguồn để thưởng Tết?
Thông tin tổng hợp của Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương cho thấy, dịp Tết Quý Mão 2023, dựa trên thống kê từ báo cáo của 54.202 DN ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tương ứng với 4,38 triệu lao động (chiếm 16,2% tổng số lao động làm công hưởng lương trên cả nước), mức thưởng bình quân tăng 11% so với năm trước, khoảng 6,86 triệu đồng. DNNN thưởng 6,5 triệu đồng/người; DNTN thưởng khoảng 6,6 triệu đồng/người và DN có vốn đầu tư nước ngoài 7,2 triệu đồng/người. Mức thưởng cao nhất dịp Tết Dương lịch là 606,2 triệu đồng là một DN ở TP. Hồ Chí Minh, còn mức thưởng cao nhất dịp Tết Âm lịch là 1,004 tỷ đồng là DN dân doanh ở TP. Đà Nẵng. Một số địa bàn có mức thưởng cao tập trung tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài như Hà Nội, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh…
Năm nay, trong bối cảnh tình hình sản xuất kinh doanh tại một số DN gặp nhiều trở ngại, đơn hàng cầm chừng, dự báo tình hình thưởng Tết sẽ hết sức khó khăn. Có những thời điểm, nhất là vào những tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp cũng như xuất khẩu giảm mạnh. Tuy nhiên, tín hiệu vui là những tháng cuối năm, một số ngành phục hồi mạnh mẽ, góp phần giúp cho nền kinh tế tăng trưởng trở lại. Do đó, DN cũng kỳ vọng có đủ nguồn lực để giữ việc làm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động tốt hơn, đặc biệt là chi trả tiền lương, thưởng Tết.
Trên thực tế, mặc dù việc trả tiền thưởng Tết không phải là quy định bắt buộc phải thực hiện mà chỉ là điều khoản khuyến khích của người sử dụng lao động, tuy nhiên đối với người lao động, thưởng Tết dù bằng hình thức gì vẫn là nguồn động viên tinh thần rất lớn để họ yên tâm gắn bó với DN. Ngoài tiền thưởng dịp Tết, tùy theo điều kiện mà các DN nên có các hình thức khác hỗ trợ, chăm lo cho người lao động nhân dịp Tết như tặng tiền tàu xe về quê đón Tết, hoặc bố trí xe đưa người lao động về quê, bố trí hợp lý thời gian nghỉ Tết, đặc biệt đối với lao động làm việc xa quê... Còn đối với DN, thưởng Tết không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn giúp DN phát triển, ổn định mối quan hệ cũng như giữ chân người lao động. Do đó, việc công bố sớm kế hoạch thưởng Tết cũng là cách động viên, giúp người lao động yên tâm làm việc, cống hiến cho DN.
LAM GIANG