Đừng để học sinh áp lực vì môn mĩ thuật
Ở trường về nhà, con tôi (đang học lớp 7) mếu máo nhờ tôi vẽ giúp bài mĩ thuật, nếu không con sẽ không qua nổi môn học này. Trong gia đình, tôi luôn đặt ra nguyên tắc, cha mẹ tuyệt đối không làm giùm con bất cứ việc gì mà chỉ hỗ trợ hướng dẫn để con tự làm. Nhưng trước tình huống này, tôi thực sự “khó xử”. Bài tập vẽ là bức tranh phong cảnh ngôi nhà của em, quá khó để con tôi - vốn không có năng khiếu mĩ thuật - có thể hoàn thành.
Lâu nay, câu chuyện làm giùm bài thủ công, mĩ thuật cho con vẫn luôn khiến các bậc phụ huynh băn khoăn: “Bao giờ cho hết cảnh này?”, bởi nhiều bài tập “cao siêu” đến phụ huynh cũng phải toát mồ hôi.
Bạn tôi có con cùng học lớp 7 cũng than thở khi phải làm giùm con bài tập vẽ là bức họa tiết đường diềm thời Lý. Hai mẹ con bạn đã mất cả đêm để hoàn thành bài tập. Thế nhưng khi nộp cho cô giáo, bài tập đó vẫn không đạt. Theo bạn tôi, khả năng vẽ của bé cũng không phải quá tệ, nhưng bài vẽ quá nhiều chi tiết rườm rà, đòi hỏi sự cân xứng, tỉ mỉ cao nên để vẽ cho chính xác quả thực là “đánh đố” trẻ ở độ tuổi này.
Đồng tình với quan điểm trên, dù HS đang học chương trình giáo dục phổ thông mới, đã cải cách nhưng phụ huynh vẫn chưa hết khổ với cảnh làm giùm bài tập thủ công, mĩ thuật. Đối với những HS có năng khiếu mĩ thuật (số này là rất ít) thì việc hoàn thành các bức vẽ như vậy không khó, thậm chí các em còn vẽ đẹp và sáng tạo hơn hình mẫu trong sách giáo khoa. Nhưng phần lớn HS ở độ tuổi THCS còn vụng về, lóng ngóng thì làm sao có thể hoàn thành những bài tập cần sự tỉ mỉ cao đến như vậy.
Môn mĩ thuật đã được chứng minh đem lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của HS. Qua tranh vẽ, phụ huynh và GV có thể hiểu thêm về tâm sinh lý, đặc biệt là những ẩn ức mà các em khó có thể giãi bày bằng lời hoặc hành động nhưng được thể hiện qua nét vẽ của trẻ.
Để phát huy những lợi ích môn Mĩ thuật đem lại cần phải thay đổi từ chương trình cho đến phương pháp dạy. Sau một thời gian bị coi là môn phụ, mĩ thuật hiện đã được coi trọng trong các nhà trường và có vị trí tương xứng. Tuy nhiên, cách dạy như hiện nay vô tình khiến cho phần lớn HS ngày càng cảm thấy áp lực và sợ môn học mà đáng ra phải được mong chờ. Thay đổi điều này không phải “một sớm, một chiều”. Đầu tiên, hãy thay đổi từ phương pháp dạy của mỗi GV. Hãy cho các em bài tập vừa sức với từng nhóm đối tượng HS. Nội dung bài tập vẽ theo hướng vui nhộn, dễ làm và HS được thỏa sức sáng tạo với các màu sắc và nét vẽ.
Mặc khác, HS ở cấp THCS đã có cả ngày dài học tập trên trường và ôn bài nhiều môn văn hóa khi về nhà không nên giao bài tập môn năng khiếu nói chung và mĩ thuật nói riêng cho trẻ. Hãy để trẻ được học và trải nghiệm đúng nghĩa môn mĩ thuật ngay trên lớp với những bài tập phù hợp.
MINH THIÊN