Nghề giáo cũng cần… yêu thương

Chủ Nhật, 19/11/2023, 19:25 [GMT+7]
In bài này
.

Con tôi rón rén đưa tôi bản tự kiểm điểm cá nhân, nhờ ký để sáng hôm sau kịp chuyển thầy chủ nhiệm. Tờ bản tự kiểm điểm là hậu quả của việc không nghe lời thầy giáo, tự ý tham gia đội văn nghệ của lớp, trình diễn trong đêm văn nghệ chung của trường, mừng ngày nhà giáo Việt Nam.

“Vì việc này mà phải viết bản tự kiểm điểm ư?”. Tôi hỏi con. “Vâng, thầy chủ trương tham gia văn nghệ nhẹ nhàng, không làm xáo trộn thời gian và việc học. Thầy lên danh sách nhóm nhỏ, nhưng nửa lớp tụi con dấu giếm tập luyện”. “Vậy, lớp có đoạt giải không?” - tôi hỏi vui. “Có, mà thầy không quan tâm đến chuyện đó”. “Việc này thầy có phần nghiêm khắc, con thấy sao?”. “Nhưng thầy cũng nhiều áp lực. Không phải phụ huynh nào cũng hài lòng, nhất là kết quả thi học kỳ vừa rồi điểm của lớp con khá thấp”.

Tôi nhấn nhá ký vào tờ bản tự kiểm điểm. Chỉ mong, bản tự kiểm điểm sẽ không ảnh hưởng gì đối với hạnh kiểm năm học của con. Tôi cũng có phần đồng ý với thầy giáo. Mọi thứ nên theo những quy tắc. Đã là học trò, trước hết phải vâng lời thầy cô.

Nhưng tôi băn khoăn nhiều hơn trước câu nói: “Thầy cũng nhiều áp lực lắm”.

Vì tôi đã từng gặp suy nghĩ này khi đọc tâm sự của một giáo viên trên mạng: “Chưa bao giờ thấy làm giáo viên lại khó như bây giờ. Nhiều giáo viên phải chịu đựng. Thậm chí, để trụ được với nghề, có những người phải đi điều trị tâm lý, bởi sự hỗn hào của học trò. Bởi những chiếc camera có thể quay lén mọi cử chỉ, lời nói của thầy cô, sau đó, được tung lên mạng cho phụ huynh và cả xã hội phán xét. Thế nên, có giáo viên chấp nhận thỏa hiệp và dễ dãi với sinh viên, học sinh để được phản hồi tốt”.

Sự thật, giáo viên thời nay cũng như người của công chúng. Mọi cử chỉ, hành vi phải thật sự chuẩn mực, ở mức tuyệt đối. Mà đòi hỏi sự chuẩn mực tuyệt đối là không tưởng … Máy móc cũng sai, chứ đừng nói đến con người.

Xưa bị thầy giáo mắng cho một trận, trò ngoan ngoãn vâng lời. Chuyện đó sẽ qua mau. Nếu có đọng lại, cũng như một chuyện vui trong ký ức thời đi học. Sau này, gặp bạn cùng lớp, còn có chuyện để kể về thầy, về cô. “Ôi, thầy khó lắm. Cô nghiêm lắm...”.

Còn bây giờ, một lần thầy mắng học trò hoặc có những cử chỉ hơi lệch chuẩn, rất dễ bị ghi lại và trở thành một chuyện bàn tán. Phụ huynh đang can thiệp quá sâu và quá mức cần thiết trong mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh. Điều đó, đặt giáo viên vào một bối cảnh rất áp lực. Và bản thân, học sinh cũng chịu áp lực.

Thời gian qua, không ít những câu chuyện của thầy cô giáo được tung lên mạng xã hội. Có việc nghiêm trọng, vi phạm quy chuẩn, đạo đức nghề nghiệp nhà giáo. Nhưng đó chỉ là số ít, “như con sâu làm rầu nồi canh”. Còn phần lớn, rất nhiều chuyện chỉ là “việc nhỏ xé ra to”. Nhiều phụ huynh tự cho mình cái quyền phán xét hành vi của thầy cô giáo mà không quan tâm đến việc điều đó làm phương hại đến tâm lý, tình cảm của các thầy cô giáo đang chăm sóc, dạy dỗ con cái của mình.

Hôm nay, 20/11, sẽ có nhiều những bó hoa tươi thắm, chứa đựng tình cảm chân thành của học sinh, phụ huynh, của cả xã hội dành cho thầy cô giáo trong khắp cả nước. Và hơn lúc nào hết, xã hội cần thừa nhận, nghề giáo không chỉ là nghề cao đẹp, đáng trân quý, mà còn là nghề để yêu thương.

Cần nhiều hơn sự yêu thương!

HOÀNG NAM

;
.