Vì mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP

Thứ Sáu, 17/11/2023, 18:32 [GMT+7]
In bài này
.

Trong thời đại công nghiệp 4.0, kinh tế số là một trong những lĩnh vực giữ vai trò quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế bền vững. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 52-NQ/TW xác định: Phát triển kinh tế số là trụ cột, là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, với mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm 20% GDP và tăng lên 30% vào năm 2030.

Thực tế những năm gần đây, đặc biệt là từ những khó khăn sau đại dịch COVID-19, khi kinh tế thế giới trải qua nhiều biến động và bất ổn, kinh tế số đã trở thành “chìa khóa” hồi phục kinh tế và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Kinh tế số không chỉ giúp nhiều lĩnh vực kinh tế kháng cự tốt với khủng hoảng, dịch bệnh, mà còn mở ra các mô hình sản xuất, kinh doanh mới dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ.

Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam có nhiều dư địa và điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế số. Năm 2020, nền kinh tế số của nước ta mới chỉ chiếm 8,2% GDP, nhưng đến nửa đầu năm 2023, tức là giữa nhiệm kỳ, tỷ trọng kinh tế số trong GDP của nước ta đã tăng lên mức 15%. Kinh tế số đang tăng trưởng rất nhanh, đạt 20-25%/năm, gấp 3-4 lần tốc độ tăng trưởng GDP quốc gia và trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.

Lĩnh vực đang tăng trưởng mạnh và có thể mang lại hàng tỷ, hàng chục tỷ USD cho nền kinh tế số là dịch vụ công nghệ thông tin và phần mềm. Hạ tầng số với thành phần chính là điện toán đám mây đang có tốc độ tăng trưởng gần 25%/năm. Bên cạnh đó, cùng với dữ liệu lớn và xử lý dữ liệu lớn sẽ trở thành những ngành công nghiệp số giàu tiềm năng và dư địa phát triển. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đang cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin và phần mềm, như: FPT, Viettel, VNPT, CMC… phát huy được các thế mạnh của mình. Được biết, năm 2022, hơn 80 ngàn kỹ sư công nghệ thông tin của các doanh nghiệp Việt Nam đã thu về hơn 2,8 tỷ USD từ xuất khẩu. Con số này cũng mới chỉ thể hiện một phần năng lực của ngành, bởi hiện tại nước ta có khoảng 400 ngàn kỹ sư công nghệ thông tin.

Mặc dù những kết quả đạt được bước đầu của kinh tế số là rất tích cực, mở ra nhiều triển vọng mới, nhưng thực tiễn phát triển kinh tế số, xã hội số của nước ta vẫn còn nhiều bất cập. Chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn. Trong đó, những vấn đề về mặt pháp lý, an toàn, an ninh mạng và việc bảo đảm quyền riêng tư của người sử dụng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất cập. Nhận thức của một bộ phận lãnh đạo và nhiều doanh nghiệp còn chưa “thực sự sẵn sàng” cho nền kinh tế số. Mặt khác, số lượng nền tảng số quốc gia chưa được triển khai theo đúng tiến độ và phân bổ chưa đồng đều. Nhân lực cho chuyển đổi số còn chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng và chất lượng…

Vì mục tiêu đến năm 2025 chiếm tỷ trọng 20% trong GDP, kinh tế số nước ta cần dựa trên 3 trụ cột chính, gồm: Quản trị số; khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị cho nền kinh tế số; và phát triển các lực lượng sản xuất liên quan đến kinh tế số. Trong đó, cốt lõi là công nghiệp ICT, chiếm 20-30%, còn lại 70-80% là kinh tế số ngành (được tạo ra từ chuyển đổi số của các ngành).

Trên cơ sở đó, để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế số thành công đòi hỏi các cấp, các ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền, ưu tiên nguồn lực, có chính sách khuyến khích, tạo lập và phát triển công nghiệp công nghệ số theo định hướng Make in Vietnam; coi phát triển hệ sinh thái công dân số phải là một nền tảng quan trọng của chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, kinh tế số phải dựa trên đổi mới sáng tạo số, phải tích hợp kinh tế số vào mọi ngành, mọi lĩnh vực; ưu tiên đào tạo kỹ năng số, nhân lực số và đặc biệt là thu hút nhân tài số.

HOÀNG LÊ

 

;
.