Khi ngân hàng ứ vốn
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ đầu năm đến nay lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại liên tục giảm sâu. Chỉ tính trong nửa đầu tháng 9 đã có tổng cộng 10 ngân hàng giảm lãi suất huy động gồm: MB, OCB, Sacombank, SHB, GPBank, Techcombank, Eximbank, ACB, Nam A Bank, KienLongBank. Trong đó, nhiều ngân hàng đã đưa lãi suất huy động về dưới 6%/năm.
Khảo sát trên thị trường ngân hàng cho thấy, còn 2 ngân hàng duy trì lãi suất huy động 7%/năm tại một số kỳ hạn dài, đó là HDBank với kỳ hạn 13 tháng và CBBank với kỳ hạn 12 tháng trở lên. Điều này hoàn toàn trái ngược với những năm trước, thay vì liên tục đua nhau tăng lãi suất thì nay các ngân hàng lại đua… giảm lãi suất huy động. Như vậy, so với giai đoạn cao điểm vào cuối năm ngoái, lãi suất tiết kiệm đã giảm tới 3-4%, đặc biệt với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Trên thực tế, khi mặt bằng lãi suất huy động giảm mạnh, lãi suất cho vay cũng hạ nhiệt theo, thiết lập mặt bằng mới. Song song đó, nhiều ngân hàng thương mại còn công bố các gói ưu đãi lãi suất. Việc giảm lãi suất cho vay được kỳ vọng DN, người dân tiếp cận vốn giá rẻ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, dù lãi suất cho vay đã giảm mạnh so với cách nay mấy tháng, nhưng một số ngân hàng cho biết đang "đỏ mắt" tìm khách vay bởi phần lớn DN, người dân chưa mặn mà. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do sức mua trên thị trường thấp, nhiều DN không có đơn hàng. Giám đốc một DN nhỏ và vừa chia sẻ, lãi suất cho vay đã hạ nhiệt, có ngân hàng cho vay với lãi suất chưa đến 8%/năm vì có lịch sử tín dụng tốt. Tuy nhiên, do đơn hàng chưa nhiều, DN cũng không có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh nên chưa có nhu cầu vay vốn.
Theo báo cáo của NHNN, tính đến ngày 29/8, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỉ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2022, mức tăng này là 9,87%. Tại Bà Rịa- Vũng Tàu, thông tin từ NHNN - chi nhánh tỉnh cũng cho biết, tính đến cuối tháng 8/2023 tổng nguồn vốn huy động từ nền kinh tế đạt 170.200 tỷ đồng, trong khi nguồn vốn tín dụng chỉ đạt 157.700 tỷ đồng.
Như vậy, hiện còn dư địa lớn để tăng trưởng tín dụng (toàn hệ thống còn khoảng 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỉ đồng).
Trước thực trạng trên, tại cuộc họp bàn giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của DN, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế mới đây, NHNN đề xuất 4 nhóm giải pháp gồm: Nhóm giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế; nhóm giải pháp phát triển các loại thị trường (trái phiếu DN, bất động sản); nhóm giải pháp nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp; nhóm giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất.
Theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh các giải pháp về tiền tệ cần có các giải pháp mang tính tổng thể, khôi phục niềm tin của thị trường. PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, vấn đề khó nhất đối với DN hiện nay là vấn đề thị trường. Do đó, phải làm sao mở ra được các thị trường cho DN. Ngoài ra, các ngân hàng phải mạnh dạn, tiếp cận DN bằng xu hướng, tiềm năng tương lai… Ví dụ, hỗ trợ tín dụng DN phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo. Ông Thiên cũng cho rằng, trong giai đoạn hiện nay nên tính toán tiếp tục đẩy mạnh các chính sách tài khóa ngân sách để hỗ trợ DN, hỗ trợ nền kinh tế đảm bảo "đủ mức, đủ độ".
PHAN HÀ