Gia tăng tội phạm công nghệ cao
Từ khi cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0 được ứng dụng rộng rãi tại nước ta, bên cạnh nhiều tiện ích mang lại cho đời sống xã hội là mặt trái không mong muốn khi công nghệ thông tin, viễn thông bị kẻ xấu lợi dụng vào nhiều hoạt động lừa đảo.
Tội phạm sử dụng công nghệ cao (SDCNC) ngày càng gia tăng, khi mà lượng người sử dụng internet, điện thoại thông minh và các công cụ hỗ trợ khác tăng nhanh. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay, cả nước có khoảng 77,93 triệu người sử dụng internet, hơn 123,26 triệu thuê bao điện thoại di động.
Báo cáo của Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế Interpol cho biết, tội phạm SDCNC tăng nhanh và trở thành mối nguy hại lớn trên thế giới và cứ 14 giây lại xảy ra 1 vụ tội phạm SDCNC. Thiệt hại hàng năm do tội phạm SDCNC thực hiện lên tới 400 tỷ USD, cao hơn số tiền mà tội phạm buôn bán ma túy thu được.
Công nghệ thông tin, viễn thông đã và đang trở thành một lĩnh vực mà các đối tượng xấu lợi dụng để khai thác, sử dụng vào việc thực hiện các hành vi xâm phạm đến trật tự an toàn thông tin, gây tổn thất đến lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tập thể, cá nhân.
Ở nước ta, tội phạm SDCNC diễn ra ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Phần lớn các đối tượng phạm tội SDCNC còn trẻ, có kiến thức và đam mê công nghệ thông tin. Chúng thường tụ tập, liên kết với nhau (cả trong và ngoài nước) thông qua các diễn đàn trên mạng xã hội để chia sẻ công cụ, cách thức, thủ đoạn phạm tội.
Khoảng 10 năm trở lại đây, tình hình tội phạm SDCNC diễn ra không chỉ ở các thành phố lớn, mà còn lan tới vùng sâu, vùng xa, với nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản đối với các tổ chức và cá nhân, khiến dư luận bức xúc và người dân lo lắng.
Các đối tượng xấu thực hiện hành vi phạm tội SDCNC bằng nhiều thủ đoạn: Giả mạo cơ quan điều tra (công an, viện kiểm sát, tòa án…) thông báo tới chủ thuê bao (di động, internet, điện thoại bàn…) liên quan đến một vụ án, rồi gây áp lực, đe dọa nạn nhân và yêu cầu chuyển tiền; giả mạo cán bộ, nhân viên ngân hàng, cơ quan nhà nước yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ… để xử lý sự cố liên quan đến dịch vụ ngân hàng, nhưng thực chất là để chiếm đoạt tiền trong tài khoản; thông báo được tặng một kiện hàng giá trị lớn từ nước ngoài gửi về với điều kiện phải chuyển trước một khoản phí để làm thủ tục hải quan…
Sau đại dịch COVID-19, khi dịch vụ thương mại điện tử phát triển và trở thành một kênh mua bán hàng hóa thông dụng với nhiều người, thì những trò lừa đảo qua mạng cũng bùng phát, nhiều cơ sở mất hàng và mất cả tiền vì những chiêu trò lừa đảo tinh vi của tội phạm SDCNC.
Với những phương thức, thủ đoạn nêu trên, bọn tội phạm SDCNC thực hiện các hành vi lừa đảo một cách nhanh chóng và khi bị phát hiện thì ít để lại dấu vết.
Điểm chung của hầu hết các vụ việc lừa đảo bằng công nghệ cao là các đối tượng tội phạm SDCNC thu thập và nắm khá rõ thông tin cá nhân của các nạn nhân, như: Tên tuổi, ngày tháng năm sinh, số CCCD, số điện thoại thuê bao, thông tin tài khoản ngân hàng, nơi cư trú…
Thực tế cho thấy, việc điều tra, xử lý các vụ lừa đảo qua mạng hiện gặp rất nhiều khó khăn do bọn tội phạm SDCNC hoạt động dưới nhiều vỏ bọc giả mạo tinh vi, bày ra các chiêu trò trấn áp nạn nhân trên cơ sở lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo như: quay video trực tuyến để hù dọa nạn nhân khi đóng giả các nhân viên điều tra; trong khi đó, sau khi vụ việc xảy ra các nạn nhân mới trình báo tới cơ quan chức năng, nhưng thường là rất trễ.
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc bị lừa đảo do tội phạm SDCNC thực hiện, đòi hỏi mỗi người dân cần nâng cao tính cảnh giác, không sa vào bẫy các chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội, không đưa các thông tin cá nhân lên mạng hoặc để lộ các thông tin về tài khoản ngân hàng, nơi cư trú với những người không quen biết.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao; chủ động phát hiện kịp thời các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm SDCNC và có biện pháp xử lý phù hợp, hiệu quả.
HOÀNG LÊ