.

Cần hành động quyết liệt hơn

Cập nhật: 18:34, 30/08/2023 (GMT+7)

Sau gần 6 năm bị EC cảnh báo “thẻ vàng” IUU, vẫn còn 4 nội dung mà Việt Nam cần phải đáp ứng. Đó là hoàn thiện khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; thực thi pháp luật.

Hội nghị “Thúc đẩy các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)”, chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4, dự kiến vào tháng 10/2023, diễn ra ngày 29/8 vừa qua cho thấy sau đợt thanh kiểm tra lần trước, việc thực hiện các khuyến nghị của EC cũng như các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU vẫn còn nhiều tồn tại, chậm được khắc phục.

Đó là chưa hoàn thành việc đăng ký tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, cập nhật dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia chưa đầy đủ. Tình trạng tàu cá ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình vẫn xảy ra phổ biến. Đặc biệt, tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn tiếp tục xảy ra.

Điều đáng lo ngại là, nếu như những vấn đề nêu trên tới đây vẫn còn diễn ra thì hệ lụy khiến cho ngành thủy sản sẽ rất khó lường. Bởi lẽ, từ sau khi bị cảnh báo “thẻ vàng” IUU, tỷ trọng xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường này giảm dần qua từng năm. Qua thống kê, năm đầu tiên sau khi bị cảnh báo “thẻ vàng”, tỷ trọng xuất khẩu hải sản sang thị trường EU chiếm 11,8%. Đến năm 2019, con số này suy giảm còn 10,7% và còn 9,5% vào năm 2020 và giảm còn 9,4% trong năm 2022.

Nếu bị phạt “thẻ đỏ”, Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu hải sản khai thác sang thị trường EU với tổng giá trị khoảng gần 500 triệu USD/năm. Hoạt động sản xuất tại 60 nhà máy đang tham gia xuất khẩu vào thị trường EU cũng như những ngư dân làm ăn chân chính sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đó là chưa kể làm cản trở sự nỗ lực xây dựng nghề cá hiện đại của nước ta trong thời gian qua.

 Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng với 28 tỉnh, thành ven biển là phải kiên quyết chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển của nước ngoài. Đây là yếu tố có ý nghĩa quyết định việc Việt Nam có gỡ được “thẻ vàng” hay không. Trong đó, cơ quan chức năng cần phải mạnh tay hơn nữa trong phát hiện, xử phạt tàu cá vi phạm.

Bên cạnh việc siết chặt quản lý tàu cá, một giải pháp cũng hết sức quan trọng, đó là bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Bởi thời gian gần đây, các DN chế biến xuất khẩu thủy sản đã chịu tác động không nhỏ từ tình trạng cạn kiện nguồn lợi thủy sản khi thiếu nguyên liệu để sản xuất. Chính vì vậy, việc thực thi các khuyến nghị của EC không chỉ gỡ “thẻ vàng” IUU, bảo đảm sinh kế cho 1 triệu ngư dân và các DN thủy sản mà còn nhằm mục tiêu cao hơn, đó là xây dựng và phát triển nghề cá Việt Nam bền vững, có trách nhiệm.

LAM GIANG

 

.
.
.