Sớm khoác áo mới cho chợ truyền thống

Thứ Tư, 09/08/2023, 18:49 [GMT+7]
In bài này
.

Không gian mua sắm chật hẹp, nóng bức vã mồ hôi, hàng hóa chất đống, không thể tự chọn lựa theo ý muốn… là cảm giác đầu tiên khi tôi đứng ở quầy bán quần áo chợ Vũng Tàu. Các quầy hàng san sát giữa lối đi chật hẹp. Hỏi mua một bồ quần áo sơ mi cho người già, chị bán hàng chui vào đống đồ chất ngồn ngộn phía trong, mãi mới lôi ra một bó quần tây và áo sơ mi được cột chặt bằng sợi dây dù và hỏi khách hàng chọn màu gì. Bản thân tôi dù rất muốn chọn lựa nhưng giữa đống hàng hóa và sự nóng bức như vậy cũng đành chịu. Đó là chưa kể, không một sản phẩm nào được niêm yết giá. Cuối cùng tôi đành phải chọn phương án vào siêu thị để mua sắm dù rất muốn quay trở lại cảm giác đi chợ như 10 năm về trước.

Có lẽ điều này cũng đã giải thích lý do vì sao lâu nay bà con tiểu thương chợ truyền thống “kêu trời” vì kinh doanh ế ẩm. Trên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu gần đây cũng có rất nhiều bài viết phản ánh tình trạng chợ truyền thống vắng khách mua, nhiều quầy hàng đóng cửa, chuyển hướng kinh doanh do sức mua giảm từ 70-80%, thậm chí có ngày không bán được món hàng nào.

Câu chuyện chợ truyền thống vắng khách, ế ẩm cho thấy các chợ ở những đô thị lớn muốn tồn tại chắc chắn phải thay đổi cách thức vận hành và tiếp cận thị trường. Ngoài nguyên nhân khách quan như sự bùng nổ của các phương thức kinh doanh online tiện lợi, nhiều cửa hàng, siêu thị len lỏi vào tận khu dân cư với không gian thoáng mát, sạch sẽ, giá cả niêm yết công khai… thì có một lý do khác cũng không kém phần quan trọng đó là vì hạ tầng xuống cấp, chật hẹp, tiểu thương chợ truyền thống vẫn buôn bán theo cách “truyền thống”. Nghĩa là ra sạp mở quầy, chờ khách mua, hàng hóa không niêm yết giá, vẫn còn tình trạng nói thách…

Thay đổi cách tổ chức, gian hàng tươm tất hơn, sạch sẽ hơn, giá cả rõ ràng hơn và không khác gì một siêu thị hiện đại, đó là yêu cầu tất yếu mà chợ truyền thống cần thay đổi. Ngoài ra, ngay chính tiểu thương cũng đang dần thay đổi phương thức kinh doanh mới, phù hợp hơn với thực tại.

Theo Bộ Công thương, 40% lưu lượng hàng hóa vẫn được lưu thông qua các mạng lưới chợ. Ở khu vực nông thôn còn lên tới 70%. Do vậy, chợ vẫn chiếm vị trí quan trọng trong hoạt động mua bán hàng ngày của người dân Việt Nam. Và xác định được rõ vai trò của chợ truyền thống trong bối cảnh hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Bà Rịa-Vũng Tàu đang triển khai giải pháp khai thác, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chợ truyền thống. Tỉnh đã có văn bản giao các huyện rà soát mạng lưới chợ tại địa phương cho phù hợp với nhu cầu mua sắm và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất. Trên cơ sở đó có thể chuyển đổi công năng chợ hoạt động không hiệu quả và đề xuất xã hội hóa các chợ.

Ngoài việc “khoác áo mới” cho chợ truyền thống thì giải pháp cũng hết sức quan trọng, phải bắt đầu từ tiểu thương và Ban quản lý các chợ. Đó là đổi mới tư duy buôn bán, phương thức kinh doanh, tạo dựng lòng tin với khách hàng bằng việc bán những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đúng giá niêm yết, bao bì, mẫu mã đẹp, tiện lợi, nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu, thói quen mua sắm của người tiêu dùng.

Đồng thời, thay đổi những dịch vụ cung ứng cho khách hàng, nâng cao chất lượng phục vụ, chương trình kích cầu tiêu dùng, khuyến mại để tăng tính cạnh tranh của chợ truyền thống so với các kênh bán lẻ hiện đại. Các tiểu thương, Ban quản lý chợ truyền thống cũng cần xây dựng phương pháp bán hàng hiện đại, chủ động tiếp cận kênh kinh doanh theo hình thức trực tuyến để bắt kịp xu thế của thị trường và nhu cầu của khách hàng. Có như thế, chợ truyền thống mới tồn tại và phát triển, trở thành nơi mua sắm phù hợp với thói quen mới, văn minh, hiện đại.

NGÔ GIA

 

 

;
.