Cuối ngày, trời nhá nhem tối, một đám trẻ tầm trên dưới 10 tuổi rủ nhau chơi trốn tìm. Ngay góc cua của ngã tư giữa hẻm có khu đất trống, cây cối um tùm, rác sinh hoạt vương vãi, nhưng là chỗ chơi của lũ nhóc trong suốt những ngày hè.
Một cậu nhóc chân cao chân thấp lao từ lùm cây về phía vòi nước ngay sát vỉa hè, dội xối xả lên bàn chân bị cắt đứt bởi mảnh thủy tinh, đang chảy máu. Cha mẹ còn chưa kịp về nhà sau giờ tan sở, bác hàng xóm vội đưa cậu vào viện cấp cứu. Do vết cắt sâu, cậu nhóc phải nằm viện theo dõi, điều trị vài ngày và phải tiêm ngừa uốn ván. Những ngày sau đó, đám trẻ con “bị” giải tán, không còn tụ tập “nhảy dại” một cách tự do suốt cả ngày như trước nữa.
Tương tự như nhiều tổ dân cư khác, địa bàn tôi ở còn chưa có khu vui chơi dành cho trẻ em. Trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng lại xa, nằm ngay sát quốc lộ. Khoảng cách xa, đi lại không dễ dàng, nên không phải đứa trẻ nào cũng có thể lui tới để vui chơi trong những ngày hè. Những khu đất trống xen kẹt trong khu dân cư trở thành điểm vui chơi của lũ trẻ. Nhưng, ở những khu vực này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, hại sức khỏe cho trẻ. Không chỉ mất an toàn khi dẫm phải miểng sành, thủy tinh, trẻ còn có thể bị côn trùng, rắn độc cắn trong lúc mải chơi, nếu không được phát hiện kịp thời còn có thể nguy hại đến sức khỏe, tính mạng.
Trên thực tế, tai nạn thương tích mỗi dịp hè dù được cảnh báo trước, nhưng vẫn liên tục xảy ra ở cộng đồng dân cư, một phần do trẻ hiếu động, mải chơi mà quên mất lời dặn dò của cha mẹ; một phần cũng do sự thiếu quan tâm, để mắt đến trẻ từ người lớn.
Nhiều trẻ lớn được tự do ở nhà suốt mùa hè khi cha mẹ vẫn phải đi làm, tụ tập đá banh, thả diều, chơi trốn tìm... Để an toàn cho con, cha mẹ cần dặn dò kỹ, dạy bảo con những kỹ năng phòng, tránh tai nạn. Ví dụ như, trẻ cần phải đề phòng những mối nguy hiểm lơ lửng trên đầu khi chơi trò chơi thả diều bao gồm: dây điện, dây cáp lòng thòng có nguy cơ rò rỉ điện. Phải về nhà ngay khi trời sắp giông, gió, mưa to để tránh bị sét đánh và các nguy cơ khác.
Ngay cả khi đưa con đến các khu vui chơi, khu du lịch sinh thái trải nghiệm, khu liên hợp thể thao, các hồ bơi, bãi biển… để an toàn cho trẻ, phụ huynh cũng phải để mắt, canh chừng con. Các nguy cơ chỉ có thể phòng, tránh được nếu cha mẹ để tâm nhắc nhở con vui chơi nhớ tuân thủ quy định chung; tránh xa các trò mạo hiểm, không hợp lứa tuổi. Đặc biệt, phụ huynh hãy bỏ điện thoại xuống và dõi theo bước chân trẻ từ xa, nhất là khi con xuống nước bơi lội chơi đùa, để tránh tối đa nguy cơ tai nạn thương tích cho trẻ.
Chăm sóc, bảo vệ trẻ em không phải là quá khó, nhưng cũng không quá dễ dàng đối với các bậc cha mẹ. Để con được an toàn, phụ huynh phải dành nhiều thời gian, tâm sức để mắt đến con. Phụ huynh cũng cần tự trang bị kiến thức cho mình để truyền đạt lại cho con về những kỹ năng sinh tồn, kỹ năng sống an toàn, tránh xa các nguy cơ từ môi trường xung quanh.
Hãy dành thời gian để mắt đến trẻ một cách thiết thực, hiệu quả.
TIỂU CƯỜNG