Điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần?
Do đà suy giảm kinh tế thế giới và những biến động về địa chính trị tại nhiều khu vực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giá nhiên liệu (xăng dầu, khí đốt, than đá…) từ cuối quý I/2022 đến nay diễn biến tăng thất thường, đẩy chi phí sản xuất của các doanh nghiệp cung ứng điện và giá mua điện ở nước ta tiếp tục tăng cao, ảnh hưởng đến cân đối tài chính và dòng tiền thanh toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Trước tình hình đó, nhằm bảo đảm để EVN đủ nguồn lực tài chính thanh toán cho các nhà máy và cơ sở sản xuất điện, hỗ trợ cải thiện tình hình sản xuất, kinh doanh của toàn ngành (năm 2022 EVN lỗ 26.236 tỷ đồng) Bộ Công thương đề xuất khung thời gian điều chỉnh giá điện bình quân tối thiểu là 3 tháng/lần kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất, rút ngắn chu kỳ so với quy định hiện hành là 6 tháng/lần.
Băn khoăn về tính khả thi theo đề xuất mới của Bộ Công thương, nhiều chuyên gia bày tỏ e ngại về khung thời gian 3 tháng điều chỉnh giá điện 1 lần sẽ gặp rất nhiều khó khăn do cơ chế, chính sách đặc thù của ngành điện. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long và chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình đều cho rằng, Quyết định 24 của Chính phủ (ban hành từ năm 2017) cho phép thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng/lần, mà 4 năm qua ngành điện vẫn chưa thực hiện được, vì EVN không thể “một mình một chợ” tự điều chỉnh giá bán điện. Bây giờ, nếu rút ngắn khung thời gian xuống 3 tháng/lần lại càng khó khả thi hơn, vì vướng nhiều cơ chế, thủ tục và có thể tác động tới tâm lý của khách hàng tiêu dùng điện.
Thực tế cho thấy, sau khi có Quyết định 24 của Chính phủ, giá điện chỉ mới điều chỉnh được 3 lần: Tăng 6,08% vào năm 2017; tăng 8,36% vào tháng 3/2019 (với mức giá 1.864,44 đồng/kwh được giữ nguyên trong 4 năm); tới tháng 5/2023 mới điều chỉnh lần thứ ba, tăng 3% (lên mức 1.920,37 đồng/kwh).
Việc để giá bán lẻ điện bình quân không thay đổi trong nhiều năm đã bộc lộ những hạn chế và bất cập của ngành điện: Cơ cấu điều chỉnh giá điện chưa bù đắp được chi phí đầu vào (với mức giá 1.864,44 đồng/kwh, EVN lỗ gần 168 đồng/kwh điện bán ra) và chưa đồng bộ với thực tế hình thành và phát triển thị trường điện.
Do giá điện là một trong những lĩnh vực nhạy cảm, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân nên việc điều chỉnh chu kỳ thay đổi giá điện bình quân cần được xem xét thấu đáo, tránh giật cục.
Để khách hàng tiêu dùng yên tâm với phương pháp tính đúng, tính đủ và hợp lý của giá điện, Bộ Công thương và EVN cần sớm có phương án điều chỉnh giá điện bình quân tối thiểu theo đúng chu kỳ quy định của Chính phủ, kịp thời sửa đổi cách tính để giá điện đồng bộ với tín hiệu thị trường điện cạnh tranh.
Hoạt động trong cơ chế thị trường, khi thị trường phát điện cạnh tranh vận hành, thì biên độ tăng giảm của giá bán lẻ điện bình quân cần phải theo sát với diễn biến của các yếu tố đầu vào trong quá trình sản xuất. Do đó, EVN cần sớm đưa ra tín hiệu “giá điện cũng sẽ được điều chỉnh như như giá xăng dầu” nhằm tiến gần hơn đến một thị trường mua bán điện công khai, minh bạch, giúp người dân và doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hơn trong mua bán điện tiêu dùng.
Với đặc điểm điều kiện tự nhiên của nước ta, giá điện sẽ có sự chênh lệch lớn giữa mùa khô và mùa mưa. Vào mùa mưa, tỷ trọng huy động thủy điện tăng cao, chi phí sản xuất giảm, nên cần giảm giá bán lẻ bình quân. Ngược lại, khi vào mùa khô hay khi thị trường năng lượng thế giới biến động, chi phí nguyên liệu (xăng dầu, than đá, khí đốt…) tăng cao thì EVN cần điều chỉnh tăng trong hạn mức quy định (3-5%).
Khẳng định thêm về việc cần thiết phải điều chỉnh chu kỳ tăng giảm giá điện bình quân, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, rút ngắn chu kỳ điều chỉnh tối thiểu từ 6 tháng xuống 3 tháng/lần để giá điện phản ánh kịp thời biến động của các thông số đầu vào tới chi phí sản xuất điện. Đồng thời, tránh được tình trạng để treo chưa thanh toán các chi phí phát sinh thực tế, dẫn tới giá tăng đột biến trong một lần điều chỉnh giá điện.
HOÀNG LÊ