Không chỉ là cơ hội

Chủ Nhật, 30/07/2023, 19:19 [GMT+7]
In bài này
.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) đã được ký kết ngày 25/7 vừa qua tại Israel sau 7 năm với 12 phiên đàm phán. Đây là một hiệp định toàn diện, bao trùm nhiều lĩnh vực mà Việt Nam và Israel cùng quan tâm như thương mại hàng hóa, dịch vụ - đầu tư, quy tắc xuất xứ… Gần 93% số dòng thuế áp dụng với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam sẽ được Israel cắt giảm về 0%.

Ngoài ra, VIFTA còn được kỳ vọng thúc đẩy trao đổi hàng hóa không chỉ ở trong phạm vi hai nước mà còn mở rộng hơn ra giữa khu vực ASEAN và Tây Á. Dự kiến, VIFTA sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, qua đó sẽ góp phần để thương mại hai chiều sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc, sớm đạt mức 3 tỷ USD.

Theo Bộ Công thương, Israel hiện là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3, là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại khu vực Tây Á. Bên cạnh đó, Israel đóng vai trò như một bàn đạp để hàng hóa Việt Nam hiện diện rõ hơn ở khu vực Tây Nam Á, có cơ hội vào được rất nhiều thị trường khác của khu vực.

Nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ hiệp định này. Cụ thể, với cơ cấu hàng hóa có tính bổ trợ lẫn nhau, VIFTA sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh như thủy sản, rau quả, dệt may, da giày sang Israel. Với Bà Rịa - Vũng Tàu, đây cũng là cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh như thủy sản, dệt may, giày da…

Trong bối cảnh xuất khẩu thời gian qua chịu tác động lớn từ suy thoái kinh tế toàn cầu, đơn hàng giảm, nhất là lĩnh vực dệt may, giày da thì việc Việt Nam ký kết thêm hiệp định mới được kỳ vọng thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc ký kết mới chỉ là bước đầu và để tận dụng tối đa các cơ hội từ FTA này mang lại thì còn rất nhiều việc phải làm. Cũng không ít thách thức khi năng lực cạnh tranh của DN trong nước còn yếu, tỷ lệ nội địa hóa thấp.

Do đó, trước hết về phía cơ quan chức năng cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến hiệp định VIFTA một cách sâu rộng trong cộng đồng DN. Đồng thời, hướng dẫn cho DN về khả năng, lĩnh vực hợp tác ở ngành nghề, mặt hàng nào, từ đó đề ra lộ trình cụ thể tận dụng thế mạnh nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.

Cũng giống như nhiều FTA thế hệ mới đều có các cam kết rất cao trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững. Là quốc gia phát triển, có thế mạnh về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn vốn đầu tư, như nhiều FTA khác, Israel cũng đòi hỏi các mặt hàng phải có thương hiệu, chất lượng cao, bảo vệ môi trường. Đây là điều mà DN cần phải lưu ý để hàng hóa xuất khẩu vào thị trường này đáp ứng tiêu chuẩn về hàng rào kỹ thuật về môi trường.

Đặc biệt, Israel là đối tác có năng lực công nghệ lớn, khoa học kỹ thuật rất phát triển nên những mặt hàng tiêu dùng mà Việt Nam xuất khẩu sang phải chú ý tính cạnh tranh cũng như bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. DN cũng cần nỗ lực nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chủ động trong tìm hiểu cơ chế, chính sách, thị trường, những rào cản thương mại để chủ động đáp ứng điều kiện từ phía thị trường nhập khẩu Israel, nhằm tận dụng tối đa lợi thế VIFTA mang lại.

LAM GIANG

;
.