Gần đây, tình trạng xây dựng trái phép, sai phép, lấn chiếm đất công làm quán cà phê, nhà hàng, quán bar trên tuyến ven biển TP.Vũng Tàu diễn ra khá phức tạp, đặc biệt là ở khu vực Bãi Dâu.
Hành vi vi phạm phổ biến là chủ đầu tư xin cải tạo, sửa chữa hiện trạng nhưng tự ý thay đổi kết cấu, với diện tích xây dựng vượt nhiều lần giấy phép hoặc chưa được cấp phép vẫn cố tình xây dựng, lắp đặt nhà thép tiền chế, nhà gỗ, làm cầu, tạo cảnh quan phục vụ nhu cầu chụp hình, “sống ảo” để thu hút khách hàng. Thậm chí, một số cơ sở còn ngang nhiên lấn chiếm đất công ven biển để mở quán. Điểm chung của các cơ sở này là do được xây dựng, lắp đặt vội vàng, tạm bợ, sơ sài nên nhiều hạng mục thiếu chắc chắn, không bảo đảm an toàn, có thể gây nguy hiểm cho khách hàng.
Những hành vi vi phạm trên diễn ra trong thời gian dài. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã kiểm tra, phát hiện, lập biên bản yêu cầu tạm ngừng thi công hoặc ngừng hoạt động trong khi chờ các bước xử lý tiếp theo. Tuy vậy, một số chủ đầu tư vì cái lợi trước mắt vẫn coi thường pháp luật, cố tình vi phạm, tiếp tục thi công hoàn thành công trình và đưa vào hoạt động, đón khách với ý đồ đặt chính quyền vào tình thế “việc đã rồi”. Họ cù nhây, kéo dài thời gian khắc phục hiện trạng để tìm cách hợp thức hóa giấy phép xây dựng! Hậu quả là, thành phố đã có hàng chục trường hợp quán cà phê, nhà hàng, quán bar xây dựng sai phép, trái phép, lấn chiếm đất công, buộc phải dừng hoạt động hoặc phá dỡ. Trong đó, tính đến ngày 22/7, TP.Vũng Tàu đã yêu cầu 8 cơ sở vi phạm tạm ngừng hoạt động.
Thông tin từ báo chí và mạng xã hội cho thấy, dư luận nhân dân rất đồng tình, ủng hộ thái độ quyết liệt của chính quyền TP.Vũng Tàu trong việc đóng cửa các cơ sở vi phạm; đồng thời buộc những cơ sở khác phải khắc phục xong các vấn đề về an toàn công trình, an toàn giao thông mới được tiếp tục hoạt động kinh doanh.
Trong bối cảnh TP.Vũng Tàu còn thiếu dịch vụ giải trí để giữ chân du khách, những mô hình kinh doanh mới như cà phê, nhà hàng, quán bar ven biển có bối cảnh đẹp để khách chụp ảnh đã đáp ứng phần nào nhu cầu vui chơi, giải trí và “sống ảo” của du khách. Bằng chứng là nhiều hàng quán ven biển hoạt động theo mô hình này luôn nườm nượp khách. Đó cũng là tín hiệu đáng mừng cho thấy, nếu được đầu tư bài bản, mô hình kinh doanh này sẽ phát huy hiệu quả.
Lãnh đạo TP.Vũng Tàu cũng khẳng định luôn khuyến khích các công trình dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí tạo không gian thông thoáng, không cản trở tầm nhìn hướng biển, tạo ra sản phẩm du lịch thu hút du khách. Tuy nhiên, các công trình này phải bảo đảm an toàn, có chỗ để xe, bảo đảm an toàn giao thông, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; không lấn chiếm đất công và không gian công cộng để kinh doanh.
Trước pháp luật, mọi người đều bình đẳng. Chính quyền tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho mọi đối tượng nhưng phải bảo đảm lành mạnh, công bằng, đúng pháp luật. Pháp luật cũng phải giữ được sự tôn nghiêm, không thể vì thiếu sản phẩm, dịch vụ mà chấp nhận làm ngơ cho những cơ sở xây dựng trái phép, không phép, lấn chiếm đất công tồn tại. TP.Vũng Tàu cần kiên trì quan điểm xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm, buộc cưỡng chế, tháo dỡ các công trình lấn chiếm đất công, trả về nguyên trạng. Trong quá khứ, nhiều trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng, lấn chiếm đất công không được xử lý dứt điểm ngay từ đầu đã để lại hậu quả nặng nề, dai dẳng là bài học còn nguyên giá trị.
Đình chỉ hoạt động, phá bỏ những công trình hàng quán xây dựng trái phép, sai phép, xây dựng trên đất công như cắt bỏ đi những cái ung nhọt, cũng là cách để giữ gìn sự tôn nghiêm của pháp luật. Thà một lần đau còn hơn phải chịu nỗi đau dai dẳng. Phá bỏ các công trình sai phạm để không tạo ra tiền lệ công trình sai phạm vẫn được phép tồn tại, hợp thức hóa, rồi sẽ kéo theo công trình sai phạm khác mọc lên.