Mai này giao thông thông suốt…
Trong hai ngày cuối tuần này (17 và 18/6), tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu làm lễ khởi công 3 dự án giao thông trọng điểm gồm: Dự án nâng cấp, mở rộng đường ven biển Vũng Tàu-Bình Châu (ĐT 994); dự án thành phần 3, thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1 và dự án cầu Phước An nối TX.Phú Mỹ với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Cùng trong ngày 18/6, TP.Hồ Chí Minh cũng làm lễ khởi công dự án đường Vành đai 3 nối TP.Hồ Chí Minh với Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Những dự án giao thông này đều là những dự án rất quan trọng, có vai trò liên kết với mạng lưới cao tốc khu vực và cả nước, giúp cho việc di chuyển từ tỉnh này qua tỉnh khác nhanh hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời còn mở ra những không gian phát triển mới. Theo kế hoạch, 3 dự án nêu trên sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác từ khoảng năm 2025-2027. Khi đó, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối của Bà Rịa-Vũng Tàu cơ bản hoàn chỉnh và mở ra cơ hội phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương trong thời gian tới.
Trong đó, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu là 1 trong 5 tuyến cao tốc trọng yếu của khu vực phía Nam, khi hoàn thành sẽ kết nối 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu, rút ngắn thời gian di chuyển xuống chỉ còn hơn một giờ. Tuyến cao tốc này cũng đóng vai trò kết nối các tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức (đang triển khai), các tuyến đường kết nối vào sân bay Long Thành sẽ hình thành trục giao thông xương sống xóa bỏ thế độc đạo của Quốc lộ 51 vốn đã quá tải từ lâu.
Cầu Phước An là hạng mục quan trọng kết nối đường liên cảng Cái Mép-Thị Vải với cao tốc liên vùng phía Nam và cao tốc Bắc-Nam. Công trình góp phần phát triển và khai thác hiệu quả hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải, khu trung tâm dịch vụ logistics Cái Mép hạ, các KCN cùng nhiều dự án khác trong khu vực. Trong khi đó, đường ĐT 994 cũng sẽ kết nối đồng bộ với các dự án giao thông trọng điểm khác của vùng Đông Nam Bộ và của tỉnh. Con đường hứa hẹn tạo động lực bứt phá cho các địa phương và DN, nhất là trong lĩnh vực đô thị - du lịch, dịch vụ ở khu vực phía Đông của tỉnh.
Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của các công trình hạ tầng giao thông này, sau khi được phê duyệt chủ trương triển khai dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương và nhân dân đã chạy đua với thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư để có thể khởi công công trình trước tiến độ Chính phủ giao là ngày 30/6/2023. Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ban chỉ đạo thực hiện dự án thường xuyên họp để kịp thời đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, điểm nghẽn đáng lo nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã được triển khai gấp rút và được tháo gỡ. Ủng hộ chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, vì sự phát triển chung của tỉnh, nhiều hộ dân dù chưa nhận tiền đền bù đã sẵn sàng bàn giao mặt bằng để triển khai dự án.
Có thể nói, giai đoạn khó khăn nhất khi triển khai các dự án đã qua, đó là các bước chuẩn bị đầu tư. Do vậy, sau khi các dự án được khởi công, các đơn vị liên quan như Ban QLDA, nhà thầu cần tập trung nguồn lực triển khai dự án bảo đảm chất lượng, tiến độ. Các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục sát cánh hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục giải ngân vốn đầu tư… để đưa công trình vào sử dụng đúng kế hoạch, sớm hiện thực hóa giấc mơ đường cao tốc và hạ tầng kết nối giao thông nội tỉnh, liên vùng và quốc gia, mở ra cơ hội và không gian phát triển mới cho địa phương và cho cả vùng.
NGUYỄN ĐỨC