.

Học nghề hay đại học?

Cập nhật: 20:17, 07/06/2023 (GMT+7)

“Cháu về thuyết phục thằng Linh giùm chú, nó cứ đòi học nghề, không chịu đăng ký đại học”, chú tôi gọi điện thoại, nhắc nhở.

Linh đang học lớp 12 ở một trường THPT huyện Châu Đức. Em rất ngoan, chăm chỉ nhưng lực học lại ở mức trung bình. Chị gái của Linh là Phương cũng thi 2 năm mới đỗ đại học và đang theo học năm thứ tư ở Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh theo nguyện vọng của chú. Đó là không muốn các con vất vả theo nghề nông dù chú có đến 5ha đất sản xuất, đang trồng quýt, chuối cho thu nhập cao.

Dành một ngày cuối tuần về thăm nhà, tiện thể sang trò chuyện cùng Linh. Em cho biết rất thích học nghề cắt gọt kim loại ở Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu. “Sức học của em không xét tuyển nổi đại học. Mà em lại rất muốn học nghề. Em tìm hiểu kỹ rồi, nhu cầu việc làm ở tỉnh mình rất cao, ra trường nghề này cũng dễ xin việc”, Linh nói.

Nghe Linh nói tôi khá bất ngờ vì em đã tìm hiểu rất kỹ trước khi lựa chọn, chứ không hề mơ hồ hay “theo bạn theo bè” như chú tôi kể. Và tôi nhận ra rằng, người cần thuyết phục ở đây không phải Linh mà chính là chú. Làm sao để chú thay đổi suy nghĩ, đồng thuận cho Linh chọn học nghề là điều không dễ.

Kể cho chú nghe câu chuyện rất gần, đó là con bác Hai hàng xóm, học cơ khí động lực Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, ra trường nộp hồ sơ vào 2 công ty tại KCN đóng trên địa bàn TX.Phú Mỹ đều được nhận, mức lương khởi điểm đã 15,5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, nhiều em tốt nghiệp đại học ra trường đang thất nghiệp hoặc đi làm với mức lương chưa tới 5 triệu đồng/tháng. Tôi muốn chứng minh cho chú thấy, học nghề rất dễ xin việc làm khi nhu cầu cao, và nếu chăm chỉ, có ý thức học hỏi vươn lên thì cơ hội thăng tiến còn rộng mở hơn nữa.

Điều đáng mừng là em họ tôi cũng như nhiều HS lớp 12 khác hiện nay đã có định hướng rõ ràng trong việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai ngay từ đầu. Đây cũng là kết quả của việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp của các trường phổ thông trong những năm gần đây. Và tôi tin sẽ thuyết phục được chú của mình để cho Linh được lựa chọn con đường phù hợp.

Tính đến tháng 1/2023, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 12 ngàn DN đang hoạt động, sử dụng 252 ngàn lao động. Đến năm 2030, định hướng phát triển của tỉnh dựa trên 4 trụ cột kinh tế chủ yếu gồm: công nghiệp, cảng biển - logistics, du lịch - đô thị và dịch vụ. Hàng loạt hạ tầng cơ sở kết nối được xây dựng xong thì đầu tư vào công nghiệp, du lịch, cảng biển, logistics sẽ tăng lên, đòi hỏi nguồn lao động có tay nghề, chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu phát triển các ngành trên rất lớn. Đây cũng là thông tin mà các bậc phụ huynh, HS cần lưu tâm để có định hướng phù hợp.

Chỉ còn vài tuần nữa thôi, gần 13.000 HS lớp 12 toàn tỉnh sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trước ngưỡng cửa của sự lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai, chắc chắn đại học không phải là con đường duy nhất. Lựa chọn tốt nhất vẫn là sự phù hợp, không chỉ với khả năng của mỗi cá nhân mà còn phù hợp với cả nhu cầu của xã hội.

NGÔ GIA

 

.
.
.