Hè và sự an toàn cho trẻ em
Học sinh bắt đầu bước vào kỳ nghỉ hè. Chắc chắn rằng, đa số trẻ em đều háo hức mong chờ những ngày hè được vui chơi thỏa thích sau cả năm học căng thẳng. Tuy nhiên, 3 tháng hè cũng lại làm gia tăng nỗi lo cho sự an toàn của trẻ, khi trẻ không phải đến trường, thiếu sự quản lý của thầy cô, bố mẹ nhiều hơn; thời gian rảnh rỗi ở nhà, đi chơi tự do, tham gia các hoạt động ngoài trời cũng nhiều hơn.
Tôi vẫn còn ám ảnh, dù chuyện xảy ra cách đây đã hơn 10 năm. Đó là vào một chiều hè, Thành - ông bố gần 40 tuổi ngất lịm bên cạnh hố nước sâu gần nhà khi không cứu kịp cả 2 cậu con trai và cháu ruột của mình do đuối nước. Cơn mưa rào mùa hè tối hôm trước đã vô tình biến hố sâu thành ao sâu thăm thẳm. 3 đứa trẻ lên 9 lên 10, vừa được nghỉ hè, đã háo hức rủ nhau đi chơi và bày trò câu cá. Thế rồi, tai nạn đã xảy ra, hố mà bình thường còn ráo khô, là nơi ẩn náu cho các trò chơi cút bắt đã trở thành “hố tử thần”, sau những cơn mưa đã khiến lũ trẻ không còn có thể trở về nhà, tiếp tục những ngày hè cùng chúng bạn.
Thực tế, tại Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiều vụ tai nạn thương tích ở trẻ em trong những ngày hè đã từng diễn ra, trong đó có không ít vụ tử vong do đuối nước. Dù được cảnh báo trước, vậy nhưng, vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để tình trạng này. Một phần do trẻ em thường hiếu động, mải chơi, chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích, tai nạn giao thông và đuối nước trong các sinh hoạt, vui chơi hàng ngày. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân từ sự chủ quan, lơ là, thiếu quan tâm của một bộ phận người lớn trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 370 ngàn trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó nhóm từ 15-17 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất (43%), tiếp đến là nhóm tuổi 5-14 (36,9%), thấp nhất là nhóm tuổi 0-4 (19,5%). Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là hơn 6.500 trường hợp/năm.
Các bé trai có xu hướng bị thương tích thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn so với các bé gái. Trong các nguyên nhân tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em, thì đuối nước là nguyên nhân hàng đầu với 3.500 trẻ em/năm. Nguy cơ tai nạn thương tích càng gia tăng trong thời gian nghỉ hè.
Những số liệu về tai nạn thương tích nêu trên chính là sự cảnh báo khi những ngày hè đang đến gần. Để bảo vệ sức khỏe, tính mạng trẻ em trong những ngày hè, đòi hỏi người giám hộ, cha mẹ các em phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc bảo vệ, chăm sóc và giám sát trẻ em. Các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền đến các bậc phụ huynh về việc tăng cường giám sát và quản lý con cái trong thời gian nghỉ hè.
Đặc biệt, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, nhà trường, đoàn thanh niên và các tổ chức xã hội cần có sự phối hợp chặt chẽ, sáng tạo để tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt, vui chơi hè bổ ích cho các em nhằm giảm thiểu các nguy cơ tai nạn. Đồng thời, cần trang bị cho trẻ em những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để có thể tự bảo vệ mình trước các nguy cơ tiềm ẩn.
Trong đó, cần tổ chức phổ cập bơi cho trẻ nhỏ rộng rãi hơn, kể cả việc tổ chức các lớp học bơi trong những ngày hè để giảm thiểu tình trạng đuối nước. Ngoài ra, cần lắp đặt các biển cảnh báo, hàng rào bảo vệ tại những hố sâu, hồ, ao nguy hiểm.
Hè của trẻ em có an toàn, trọn vẹn hay không, phụ thuộc nhiều ở người lớn chúng ta!
HẠ VY